Trồng quýt kiểng chơi Tết thu nửa tỷ đồng
(Dân trí) - Nông dân Lưu Văn Ràng - Tổ trưởng Tổ hợp tác quýt chậu xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) - năm nay trồng thành công 200 chậu quýt hồng trong chậu. Nếu bán hết số quýt kiểng này, dịp tết Canh Tý ông thu hơn 500 triệu đồng.
Những ngày này, đến “vương quốc” quýt hồng Lai Vung sẽ bắt gặp không khí chộn rộn của nhà vườn khi bà con đang chạy nước rút chăm sóc vườn quýt để bán Tết.
Đặc biệt những năm gần đây, quýt hồng Lai Vung mắc bệnh vàng lá thối rễ và có đến 40% số nhà vườn bị ảnh hưởng. Do đó, ngành chức năng địa phương dự báo số lượng quýt hồng giảm mạnh, giá quýt hồng sẽ tăng.
Trong lúc các nhà vườn trồng quýt hồng đang tất bật vào vụ thì các nhà vườn trồng quýt hồng vào chậu (quýt kiểng) cũng đang hối hả không kém. Bà con đang cắt tỉa cành, sửa trái… sao cho dáng cây, quả trên cành ở những thế đẹp mắt, thu hút khách hàng.
Ông Lưu Văn Ràng - Tổ trưởng tổ hợp tác quýt chậu xã Ninh Thới - cho biết: Rút kinh nghiệm những năm trước khi trồng quýt chậu để ngoài trời, tỷ lệ hao hụt cao nên năm nay ông làm nhà màn, che chắn quýt. Nhờ kỹ thuật này, số quýt chậu của ông đạt hơn mọi năm.
Mùa quýt năm nay, ông Ràng trồng 200 chậu đều đạt như ý muốn. Hiện đã khách hàng đã đặt 130 chậu nên ông chỉ còn 70 chậu bán ra thị trường.
Ông Ràng cho biết, Tổ hợp tác quýt chậu Ninh Thới hiện nay có 11 thành viên, dịp tết Canh Tý năm nay các thành viên trồng khoảng 800 chậu quýt kiểng, đa phần đã có khách đến vườn đặt mua, chỉ còn số ít bán ra thị trường.
Số quýt chậu ông Ràng cũng như nhiều hộ dân khác trong Tổ hợp tác quýt chậu Ninh Thới có giá từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, có một số chậu quýt đặc biệt (dáng cây đẹp, trái nhiều, to, bóng đẹp) có giá từ 8 - 10 triệu đồng/chậu.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng quýt chậu, theo các thành viên trong Tổ hợp tác quýt chậu xã Ninh Thới cho biết, khâu khó nhất tạo hình cho cây quýt trồng trong chậu, vì ngoài việc đòi hỏi kỹ thuật tạo hình thành công cho dáng cây còn phải tính toán thật tỉ mỉ để sau khi làm trái, cây cũng phải phát triển theo hình dáng của thân cây thế mới đạt được hiệu quả tốt nhất.
Theo UBND huyện Lai Vung, hiện tượng cây có múi chết do bệnh vàng lá thối rễ xảy ra vào năm 2017 nhưng bùng phát mạnh vào năm 2018. Qua thống kê, toàn huyện có hơn 2.000ha/5.700ha bị thiệt hại, chiếm gần 36% diện tích cây có múi. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là cây quýt hồng với 337 ha/839 ha, chiếm 40% diện tích. Năm 2020, diện tích quýt hồng giảm mạnh do bị bệnh vàng lá, thối rễ nên sản lượng quýt hồng 2020 khoảng 4.000 tấn.
Nguyễn Hành