Trồng lúa thơm ở ĐBSCL: Nông dân nhận quả đắng!?
(Dân trí) - Thời gian qua, nông dân ở ĐBSCL được khuyến cáo nên đầu tư trồng lúa thơm để tạo thương hiệu. Nhưng thực tế sau khi thu hoạch, doanh nghiệp lúa gạo không mua, buộc phải bán với giá thấp và bị tồn đọng nhiều.
Ngày 19/3, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Sơ kết và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2013 ở các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL, tại đây đã có nhiều ý kiến phản ánh về việc trồng lúa thơm nhưng bán không được giá, bị tồn đọng.
Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang nói trong ấm ức: Tại An Giang, giá lúa Jasmine chỉ còn 6.100 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái gần 800 đồng/kg. Bộ NN-PTNT khuyến cáo nông dân trồng lúa thơm Jasmine để xây dựng thương hiệu nhưng không ai mua, cụ thể, doanh nghiệp cứ mua gạo từ lúa IR 50404 pha vào xuất gạo 5% tấm, cạnh tranh bằng cách giảm chất lượng kèm theo giảm giá. “Đây là thực tế đáng buồn cho hàng ngàn nông dân ở Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang đã cố gắng đầu tư trồng lúa thơm Jasmine 85 nhưng lại nhận quả đắng”.
Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang than thở: “Chúng tôi không biết ăn nói sao với ngành nông nghiệp cấp huyện - nhất là nông dân khi họ đặt vấn đề: tại sao giá lúa chất lượng cao và lúa IR 50404 (phẩm cấp thấp) không chêch lệch bao nhiêu. Vậy sắp tới nên khuyến cáo nông dân trồng lúa ra sao, ngành nông nghiệp rất khó khăn để chỉ đạo”.
Còn ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ thì cho rằng: “Giá lúa thơm Jasmine giảm giá vừa qua là do nhiều nguyên nhân. Nông dân chuyển sang làm lúa chất lượng cao, lúa thơm với tỷ lệ lớn, sản lượng khổng lồ; gây mất cân bằng cung cầu. Dẫn đến việc thu mua lúa hàng hóa chậm lại, lúa thơm bị ách tắc”.
Đây là những vấn đề sống còn của vùng nguyên liệu lúa thơm ở ĐBSCL. Thiết nghĩ lãnh đạo ngành nông nghiệp sớm điều tra và làm sáng tỏ vấn đề. Từ đó, đưa ra những khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể để nông dân ĐBSCL không phải nhận thêm “quả đắng” từ việc trồng lúa thơm!
Phạm Tâm