Trồng cây biến đổi gien: Đeo gông phụ thuộc
Trồng bắp biến đổi gien không tạo khác biệt đáng kể về năng suất cũng như chi phí vì phải phụ thuộc giống giá cao, phân bón, thuốc trừ sâu...
Công nghệ biến đổi gien (GMO) là bước tiến khoa học trong ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có đặc tính mà con người mong muốn như năng suất cao, kháng sâu bệnh, giảm chi phí, hàm lượng dầu, tinh bột, protein cao… Song trồng cây GMO, sử dụng sản phẩm GMO liệu có ảnh hưởng môi trường sinh thái, nòi giống con người về sau hay không hiện vẫn còn tranh cãi. Bài phân tích sau đây của một bạn đọc góp thêm góc nhìn về yếu tố gây hại của các sản phẩm biến đổi gien, đồng thời đưa ra giải pháp để khỏi phụ thuộc vào các giống cây này.
Hại nhiều hơn
Trên một kênh thông tin, bà Lê Thị Phi Vân - Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay ở Việt Nam giống bông GMO trồng đại trà một cách không kiểm soát đã gây những hậu quả đáng tiếc.
Trong khi đó, các nhà đầu tư cây trồng GMO vào Việt Nam giới thiệu cho nông dân tham quan các ruộng bắp GMO trồng thử nghiệm. Họ cho rằng GMO có ưu việt, kháng sâu bệnh, giảm chi phí, có năng suất cao (11 tấn khô/ha)...
Tuy nhiên, bà Vân đã chứng minh trồng bắp GMO không tạo khác biệt đáng kể về năng suất cũng như chi phí vì phải phụ thuộc giống giá cao, phân bón, thuốc trừ sâu...
Bà Vân cũng nêu ra rằng trồng cây GMO tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người. Cây GMO phá vỡ cấu trúc sinh học, ảnh hưởng môi trường sinh thái. Nó phát tán gien biến tạp trong cây trồng sang họ hàng hoang dại. Con sâu tăng cường kháng độc ở cây GMO tiết ra, hình thành giống loài mới, nguy cơ kháng bệnh cây GMO giảm dần, đồng thời sinh vật có ích cho cây trồng và con người bị tiêu diệt.
Khó phân biệt sản phẩm có GMO
Các nhà khoa học chứng minh sản phẩm GMO ảnh hưởng tiềm ẩn đến sức khỏe con người, kể cả môi trường.
Nhiều nước trên thế giới đã có quy định bắt buộc dán nhãn GMO, tuy nhiên ở Việt Nam đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành quy định dán nhãn và quản lý với loại thực phẩm này. Với đủ thứ mặt hàng bắp, khoai tây, cà chua… nếu không có nhãn ghi GMO thì không một ai có thể phân biệt được sản phẩm có GMO hay không.
Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết năm 2014 nước ta nhập một lượng lớn sản phẩm GMO: Bắp (4,8 triệu tấn), khô dầu nành (3 triệu tấn), hạt đậu nành (1,5 triệu tấn)… để chế biến thức ăn cho gia súc và người. Một chủ buôn bắp, đậu nành GMO cho hay hàng qua cửa khẩu không kiểm tra sâu bệnh, phân biệt sản phẩm GMO chỉ bằng cảm quan. Với cách làm như vậy dịch bệnh qua biên giới Việt Nam là khó lường.
Hiện tại Bộ NN&PTNT đã cấp chứng nhận cho hai công ty DeKalb (Mỹ) và Syngenta VN được bán rộng rãi bắp GMO trên thị trường Việt Nam.
Mua giống bắp GMO phải kèm mua thuốc diệt sâu cỏ. Thuốc của công ty diệt cỏ cho bắp GMO thì bắp không chết, chỉ có cỏ chết, còn thuốc của nông dân dùng cho bắp GMO thì chết cả bắp lẫn cỏ. Trong thuốc diệt cỏ cho bắp GMO có chất glypho là chất độc gây ung thư mà WHO đã khuyến cáo.
Bà Vân cảnh báo: “Có động cơ không lành mạnh trong việc đưa cây GMO trồng ở Việt Nam. Đứng về khía cạnh an ninh lương thực, trồng cây GMO ở Việt Nam là tai họa”.
Bán giống kèm thuốc là độc quyền của nhà đầu tư. Bắt nông dân phải phụ thuộc không ngoài mục đích lợi nhuận cao. Ông bà ta đã nói: “Cái gì con vật ăn được, mình ăn được”. Khoa học tiến bộ, thay đổi gien cây trồng, con chuột bỏ chạy do có khứu giác phát triển tinh vi, nếu nó ăn như con sâu thì cũng phải chết. Từ đó suy ra con người ăn GMO không chết ngay mà ảnh hưởng tiềm ẩn về sức khỏe giống nòi. Nếu tiếp tục ăn sản phẩm GMO kéo dài, hậu quả sẽ khó lường. Vậy tại sao chúng ta cứ đeo đuổi gieo trồng GMO với lý do năng suất cao, có giá trị hơn để giảm phụ thuộc nhập khẩu bắp, đậu nành... Nếu chỉ là lý do để giảm phụ thuộc thì chưa thuyết phục, thiếu chính xác, nông cạn...
Theo tôi, cần áp dụng các biện pháp: Thâm canh tăng năng suất (đầu tư khoa học kỹ thuật), trong đó có giống, thuốc, phân, chất xám, máy móc… Khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra giống cây, con có năng suất cao... hơn là cho phát triển tràn lan các giống cây GMO.
Đã có một số ít nước thử nghiệm trên người và gia súc khi cho sử dụng sản phẩm GMO, sau đó đưa ra kết luận:
1. Ở Anh đã chứng minh ăn đậu nành GMO gia tăng dị ứng 50%.
2. Ở Mỹ: Tháng 5-2009, báo cáo hội nghị y học môi trường và khoa học Mỹ (AAEM) nghiên cứu ăn thực phẩm GMO có rủi ro đến sức khỏe con người, gây vô sinh, giảm miễn dịch, đẩy nhanh tốc độ lão hóa. Một báo cáo khác cho biết heo ăn bắp GMO ở các nông trại miền Trung và Tây nước Mỹ có tình trạng mang thai giả, bị vô sinh cao hơn. Gà ăn thức ăn GMO có tỉ lệ chết cao gấp đôi so với ăn thức ăn tự nhiên.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết con vật nào sử dụng thức ăn GMO, con vật đó sẽ biến đổi gien.
3. Ở Trung Quốc: Trồng bắp tiên ngọc 335 chuột đồng biến mất vì GMO.
4. Ở Ấn Độ: Hàng triệu nông dân chuyển đổi trồng bông GMO. Họ phải vay tiền mua giống giá cắt cổ, mùa màng thất bát đẩy họ vào nợ nần, phải tự tử (điều tra độc lập của nhà báo Anh Andrew Malone). |
Theo Phạm Như Ý