Không nên phân biệt đối xử với cây trồng biến đổi gen

(Dân trí) - “Việt Nam đã nhập khẩu ngô, đậu tương biến đổi gen làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi gần 10 năm qua, nhưng ta vẫn có thái độ phân biệt đối xử với cây trồng biến đổi gen... Việc tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng cây trồng này là cần thiết...”

Đó là nhận định của GS.TS. Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam tại Hội thảo góp ý Dự thảo Thông tư “Quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) tổ chức sáng 10/10, tại Hà Nội.

Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi biến đổi gen gần 10 năm qua (ảnh minh họa)
Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi biến đổi gen gần 10 năm qua (ảnh minh họa)

“Chúng ta nên dừng việc phân biệt đối xử với GMO (thực phẩm, sinh vật và cây trồng biến đổi gen). Hiện vấn đề an toàn vệ sinh thực thẩm của chúng ta còn nhiều bê bối nên chúng ta hãy nâng cấp khung pháp lý lên để áp dụng cho quản lý GMO,” GS Lương góp ý.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Quang Thạch, Giảng viên cao cấp Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cho rằng chúng ta đã nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) từ Mỹ, Achentina, Brazil nơi mà hơn 90% sản phẩm ngô và đậu tương là biến đổi gen. Gần 10 năm nay chúng ta đang ăn thực phẩm từ chăn nuôi sử dụng thức ăn biến đổi gen, do vậy chúng ta nên thay đổi quan điểm về vấn đề này theo hướng tích cực.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng: “Năm 2012 nước ta nhập khẩu hơn 4 triệu tấn đậu tương và khô dầu đậu tương và 1,5 triệu tấn ngô từ nước ngoài. Nếu sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu thì các nhà sản xuất TACN có thể mua trực tiếp nguyên liệu từ nông dân, điều này sẽ giúp doanh nghiệp không phải làm các thủ tục phức tạp khi nhập khẩu như thủ tục hải quan, kiểm dịch, đóng thuế nhập khẩu,.. và nhà nước cũng tiết kiệm được ngoại tệ”.

PGS.TS. Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam khuyến nghị cần xây dựng khung pháp lý cho cây trồng biến đổi gen để đảm bảo quản lý được nhập khẩu nhưng không ảnh hưởng đến giá TACN và vẫn tạo điều kiện để người nông dân gia tăng sản xuất, hạ giá thành nguyên liệu TACN.

 

Dự thảo Thông tư “Quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi” do Bộ NN&PTNN soạn thảo gồm 4 chương, 6 điều, và 11 phụ lục.

Đây được coi là một bước tiến mới trong quá trình áp dụng công nghệ sinh học ở nước ta, tạo hành lang pháp lý và là tín hiệu "đèn xanh" cho sự phát triển của cây trồng biến đổi gen trong tương lai.

Theo dự thảo thông tư, thực vật biến đổi gen mang sự kiện chuyển gen tổ hợp (stacked event) là kết quả của quá trình chuyển từ 2 hoặc nhiều sự kiện chuyển gen đơn lẻ quy định nhiều tính trạng mong muốn bằng phương pháp lai tạo truyền thống không thuộc phạm vi điều chỉnh thông tư này.

Bộ NN&PTNT là cơ quan cấp và thu hồi Giấy xác nhận dựa trên cơ sở kết luận của Hội đồng an toàn thực phẩm, TACN biến đổi gen (Hội đồng).

Thực vật biến đổi gen được cấp Giấy chứng nhận phải đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện sau: Hoặc là thực vật biến đổi gen được Hội đồng thẩm định hồ sơ đăng ký kết luận thực vật biến đổi gen đó không có các rủi ro không kiểm soát được đối với sức khỏe của con người và vật nuôi; hoặc là thực vật biến đổi gen được ít nhất 5 nước phát triển trong Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và/hoặc nhóm các nước có nền kinh tế lớn G20 cho phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó. Thời gian cấp phép đối với trường hợp 1 là 180 ngày và thời gian cấp phép đối với trường hợp 2 là 60 ngày vì thủ tục hồ sơ đơn giản hơn.

Về trình tự cấp phép, tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy xác nhận gửi hồ sơ theo mẫu đến cơ quan thường trực thuộc Bộ NN&PTNN, cơ quan này sẽ thẩm định hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, hoặc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan thường trực thuộc Bộ NN&PTNN đăng tải thông tin và bản báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro trên website của bộ để lấy ý kiến công chúng, tổng hợp và gửi hội đồng xem xét. Thời gian lấy ý kiến công chúng tối đa là 30 ngày làm việc kể từ ngày đăng tải thông tin.

Sau khi hồi đồng xem xét hồ sơ và kết luận, Bộ trưởng NN&PTNN xem xét và ra quyết định cấp Giấy xác nhận trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận kết quả thẩm định của Hội đồng. Cơ quan thường trực Bộ NN&PTNT có trách nhiệm công bổ trên trang web của bộ và bổ sung thực vật biến đổi gen vào Danh mục thực vật biến đổi gen được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, TACN trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định cấp giấy xác nhận.

Trong trường hợp thực vật biến đổi gen đã được cấp Giấy xác nhận bị phát hiện có những ảnh hưởng, tác động đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái, Bộ NN&PTNN sẽ tổ chức các cuộc họp Hội đồng xem xét thẩm định hồ sơ, ra quyết định thu hồi Giấy xác nhận, công bố trên trang web của bộ và xóa tên thực vật biến đổi gen trong danh mục. Kể từ ngày có Quyết định thu hồi Giấy xác nhận, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực vật biến đổi gen đó không được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

Hội đồng an toàn thực phẩm, TACN biến đổi gen do Bộ NN&PTNN thành lập có 9 thành viên gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch là đại diện của Bộ NN&PTNN, 1 đại diện của Bộ Công Thương, 1 đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ, 1 đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 1 đại diện của Bộ Y tế và một số chuyên gia trong lĩnh vực liên quan hoặc tư vấn độc lập.

Các đối tượng có sử dụng sản phẩm thuộc lĩnh vực điều chỉnh của thông tư này phải đăng ký cấp phép trong thời hạn không quá 1 năm kể từ ngày thông cứ có hiệu lực.

 

 Nguyên An