Triều Tiên giữ nguyên chính sách kinh tế sau khi xử tử ông Jang Song-thaek
(Dân trí) - Phát biểu trước báo giới ngày 15/12, lãnh đạo cấp cao của Ủy ban phát triển kinh tế nhà nước Triều Tiên khẳng định việc ông Jang Song-thaek bị xử tử không làm thay đổi chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của nước này.
Ngày thứ Sáu vừa qua, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã công bố việc ông Jang Song-thaek, nhân vật từng được cho là quyền lực thứ hai tại nước này, người ủng hộ mạnh mẽ chính sách đổi mới kinh tế theo mô hình Trung Quốc đã bị xử tử.
Thông tin này khiến không ít người đặt câu hỏi về sự cam kết của lãnh đạo Triều Tiên đối với việc đổi mới chính sách kinh tế. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn với hãng tin AP ngày ngày 15/12, ông Yun Yong Sok, một quan chức cấp cao của Ủy ban phát triển kinh tế nhà nước Triều Tiên khẳng định nước này sẽ không thay đổi các đường lối kinh tế và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Vớ bở từ gánh hàng rong hoa quả Tàu |
Thu hút vốn đầu tư đang là nhiệm vụ thiết yếu của Bình Nhưỡng nhằm bổ sung cho nguồn ngoại hối mà nước này đang rất cần, cũng như phục vụ các dự án hạ tầng để đảm bảo thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sống của nhân dân, như ông Kim cam kết khi nhậm chức.
“Cho dù nhóm của Jang Song-thaek đã gây tổn hại lớn cho nền kinh tế của chúng tôi, sẽ không có thay đổi nào trong chính sách kinh tế của nước Cộng hòa DCND Triều Tiên”, ông Yun nói. “Mọi thứ vẫn diễn ra như trước đây”.
Hồi tháng trước, Triều Tiên đã công bố kế hoạch thành lập tại mỗi tỉnh một đặc khu kinh tế, có chức năng như một khu vực thử nghiệm và triển khai các phương thức kinh tế tư bản vào nền kinh tế bị kiểm soát chặt của nước này.
Triều Tiên mới đây cũng đã ban hành các luật nhằm thu hút du khách và vốn đầu tư nước ngoài. Các đạo luật này đem đến cho nhà đầu tư nước ngoài những ưu đãi và đảm bảo đặc biệt, đồng thời cho các địa phương quyền tự chủ lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế.
Nhưng ngay cả trước khi ông Jang bị xử tử, vẫn chưa rõ Bình Nhưỡng sẵn sàng đi xa đến đâu với những đổi mới này. Việc nước này không muốn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, để đổi lại việc được nói lỏng các biện pháp cấm vận của cộng đồng quốc tế, khiến việc nhận vốn đầu tư hoặc tài trợ từ nước ngoài trở nên khó khăn nếu không muốn nói là không thể.
Đồng thời, nó cũng có nghĩa là thành công của các khu kinh tế này phụ thuộc chính vào Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên. Trong khi đó, ông Jang được xem như cầu nối chủ chốt giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, khi thường tiếp đón các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc khi họ tới Triều Tiên. Năm 2012, cũng chính ông Jang dẫn đầu một phái đoàn đông đảo của Triều Tiên tới Bắc Kinh để bàn việc thành lập các đặc khu kinh tế.
Tuy vậy, ông Yun đã hạ thấp tầm quan trọng của ông Yang trong việc hoạch định chính sách. Thậm chí ông còn tin rằng việc chú dượng của ông Kim Jong-un bị phế truất chỉ giúp đẩy nhanh tiến bộ trên mặt trận kinh tế.
“Với việc loại bỏ nhóm của Jang Song-thaek, sự thống nhất và đoàn kết của đảng và nhân dân quanh vị nguyên soái tại trung tâm sẽ ngày càng mạnh hơn. Đảng của chúng tôi đã quyết tâm hơn và ý chí của các binh sỹ và nhân dân đối với việc xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa thịnh vượng đã được củng cố”, Yun nói.
“Ủy ban phát triển kinh tế nhà nước của chúng tôi chào đón mọi khoản đầu tư và mọi doanh nghiệp từ bất kỳ quốc gia nào tham gia vào công việc phát triển các khu kinh tế mới”.
Ông Yun khẳng định các quan chức địa phương đã được giao nhiệm vụ lập kế hoạch cho khu kinh tế tại địa phương mình, và có thể sẽ chính thức đệ trình để xin phê duyệt từ Ủy ban của ông trong vài tháng tới.
Kể từ sau khi ông Jang bị phế truất và xử tử đến nay, giới quan sát vẫn đang theo dõi sát tình hình để tìm kiếm manh mối về những gì có thể xảy ra trong thời gian tới. Trong đó được quan tâm nhiều là số phận của vợ ông Jang, bà Kim Kyong Hui và là em gái của ông Kim Jong-il.
Cho đến nay, có vẻ như bà Kim vẫn bình an vô sự khi trong ngày thứ Bảy, tên bà vẫn xuất hiện bên cạnh các quan chức hàng đầu của Triều Tiên khác trong danh sách ban tang lễ một lãnh đạo cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên, người vừa qua đời hôm thứ Sáu.
Bà Kim Kyong Hui, 67 tuổi, đã liên tục thăng tiến trong những năm qua và nắm giữ một loạt vị trí chủ chốt. Các nhà phân tích nhận định có vẻ vị thế chính trị của bà tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi sự ra đi của chồng.
Thậm chí, nhà phân tích Hong Hyun-ik, từ Viện nghiên cứu tư nhân Sejong của Hàn Quốc cho rằng “bà ấy có thể đã phản đối án tử hình với ông Jang, nhưng có lẽ bà đã đồng ý phế truất ông”.
Bà Kim và ông Jang kết hôn năm 1972, và cuộc hôn nhân của họ nhiều năm gần đây đã có trục trặc. Con gái duy nhất của họ đã tự sát khi đang du học tại Paris năm 2006, báo giới Hàn Quốc cho hay. Những tháng gần đây sự hiện diện của bà Kim trước công chúng đã giảm mạnh, giữa lúc có thông tin cho rằng bà mắc bệnh gan, bệnh tim và nhiều bệnh khác.
Theo AP