Triều đại Kim Jong-un và những biến động của kinh tế Triều Tiên

(Dân trí) - Triều Tiên đã công bố kế hoạch thành lập mỗi tỉnh một đặc khu kinh tế. Những cơ sở luật pháp về việc thu hút du lịch và đầu tư nước ngoài cũng đã được ban hành, trao quyền tự chủ lớn hơn cho các địa phương trong các vấn đề kinh tế.

Khi đặt chân tới Rason, một trong những dấu hiệu khác biệt dễ nhận thấy của khu vực bụi bặm, gió lộng này so với hầu hết các khu vực khác của Triều Tiên là khi màn đêm buông xuống.

Một bến cảng tại đặc khu kinh tế Rason
Một bến cảng tại đặc khu kinh tế Rason

Mặc dù các thành phố khác cũng có đèn đường, tại Rason những ngọn đèn thực sự được thắp sáng về đêm. Các tuyến đường đều rộng và có vỉa hè, dọc theo tuyến đường chính, những ngọn đèn trang trí nhiều màu sắc được dùng làm viền cho các tòa nhà.

Các công ty nước ngoài hoặc có người nước ngoài góp vốn, bao gồm một trong hai casino hiếm hoi tại Triều Tiên, đã giúp tạo thành một ốc đảo ánh sáng tại một khu nông thôn hầu như tối đen như mực và trống vắng.

Đặc khu kinh tế này, có tuổi đời khoảng 2 thập niên, được dự định trở thành một thử nghiệm chủ nghĩa tư bản và các nhà lãnh đạo Triều Tiên có kế hoạch mở rộng nó trên khắp đất nước. Nó không chỉ là duy nhất tại Triều Tiên mà còn là lâu đời nhất, sôi động nhất, và theo một số chuyên gia là hứa hẹn nhất.

Tháng trước, Triều Tiên đã công bố kế hoạch thành lập đặc khu kinh tế ở khắp các tỉnh. Bình Nhưỡng cũng ban hành những điều luật mới để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển du lịch. Các đạo luật này đem đến cho các nhà đầu tư những ưu đãi và bảo đảm đặc biệt, trong khi giúp các lãnh đạo địa phương có thêm quyền tự chủ để tự quảng bá và đưa ra các quyết định kinh doanh.

Dù vậy cho đến nay, chưa rõ Bình Nhưỡng sẵn sàng đi xa đến đâu. Quốc gia này đến nay vẫn không có ý định từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để thoát khỏi các lệnh cấm vận thương mại quốc tế. Trong khi đó, mới hôm 9/12 vừa qua, ông Jang Song Thaek, nhân vật quyền lực số 2 tại nước này và là một người được cho là ủng hộ cải cách kinh tế kiểu Trung Quốc, đã bị sa thả.

Các công nhân bên trong xưởng may miệt mài làm việc hầu như không ngẩng đầu lên
Các công nhân bên trong xưởng may miệt mài làm việc hầu như không ngẩng đầu lên

Dạo một vòng Rason có thể thấy, cho dù được sự ủng hộ từ cấp cao nhất cho một khu kinh tế thí điểm, Triều Tiên vẫn không thực sự gấp rút trong việc hồi sinh nền kinh tế trì trệ của mình.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Các phóng viên của hãng thông tấn AP đã được phép tới thăm khu kinh tế Rason nhưng lại bị từ chối tiếp cận một số khu vực, bao gồm cả những địa điểm mà Triều Tiên có thể coi là mầm mống của chủ nghĩa tư bản, đó là một khu chợ công khá sầm uất, nơi các cá nhân kinh doanh nhỏ thuê các sạp hàng từ chính phủ để bán các món hàng của mình dưới hình thức thị trường tự do.

Về vẻ bề ngoài, Rason vẫn là một thành phố đi đầu, chưa kể nơi đây giàu có hơn hầu hết các thành phố khác của Triều Tiên. Nơi đây có nhiều doanh nghiệp, như xưởng may Sonbong, một nhà máy chế biến hải sản, một khu liên hợp sản xuất hóa chất đồ sộ nhưng dường như chưa mở cửa. Dù vậy khó có thể nói Rason đã thực sự mang tính cách mạng.

Khắp phòng này qua phòng khác tại xưởng may nêu trên, những hàng dài công nhân, chủ yếu là nữ, ngồi vận hành máy khâu trong im lặng dưới những bông hoa hướng dương bằng nhựa và một tấm bảng khẩu hiệu lớn mang dòng chữ “không ngừng nghỉ”. Không ai nói một lời nào. Họ cũng hiếm khi nhìn lên mà chỉ chú ý tới công việc.

Năm nay, xưởng may này sẽ sản xuất 1 triệu sản phẩm, cao gấp đôi 2 năm trước, Pak Mi Kum, một phụ nữ đã làm công nhân tại đây suốt 10 năm trước khi trở thành quản lý nói. Các nhà thầu Trung Quốc cung cấp nguyên vật liệu thô trước khi mua tòa bộ thành phẩm để bán dưới mác “sản xuất tại Trung Quốc”.

“Đây là công việc vất vả, đến mức người Trung Quốc không muốn làm nữa”, Pak nói. “Nhưng công nhân của chúng tôi vẫn làm việc vì đất nước. Họ đều có năng suất cao, giá rẻ và chăm chỉ”.

Đặc khu kinh tế Rason bao gồm hai thành phố nhỏ, Rajin và Sonbong, cách biên giới Nga - Trung Quốc không xa. Hiện nơi đây có 150 công ty nước ngoài đến từ 20 nước. Các chuyên gia cho biết việc Triều Tiên thiếu sự cam kết trong việc tạo một khuôn khổ pháp lý và cam kết về tài chính đã khiến nguồn vốn đầu tư bị hạn chế.

Công nhân Triều Tiên bốc hàng thủy sản
Công nhân Triều Tiên bốc hàng thủy sản

Không dễ để tìm được dấu hiệu sự hào hứng của người nước ngoài. Một nhà hàng Nga có tên New World được mở hồi tháng 6 vừa qua, nhưng đầu bếp Luboby Ebseyebna cho biết số lượng người Nga đã giảm mạnh sau khi một dự án đường sắt hoàn tất hồi tháng 9.

Đi xa hơn về phía biển là một khách sạn 5 sao có tên Emperor Hotel, với nhiều bàn đánh bài, phòng karaoke và mát-xa. Đây là dự án của nhà đầu tư Hồng Kông và nhìn chung chủ yếu thu hút các con bạc Trung Quốc.

Nhưng đó không phải là những nơi các quan chức Rason muốn thế giới thấy. Không ai được phép vào khách sạn này. Thay vào đó, là những thước phim quảng cáo bằng tiếng Anh đầy hứa hẹn về Rason. Kim Yong Nam, phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban quản lý khu kinh tế và thương mại Rason khẳng định muốn “biến” nới đây thành một cảng quốc tế, giống Singapore.

Dù thiếu hụt năng lượng là vấn đề kinh niên tại đây, ông Kim khẳng định điện từ Trung Quốc và than từ Nga sẽ sớm được đưa tới. Cuối cùng, ông chốt lại rằng Rason là quân át chủ bài, với nhân công rẻ, đáng tin cậy và biết chữ. Tội phạm không phải vấn đề.

Sự ổn định? “Chúng tôi là quốc gia ổn định nhất thế giới”, ông Kim nói. “Tình hình tại đất nước chúng tôi rất an toàn và thoải mái, hơn cả những gì bạn nghĩ. Nếu tìm thấy nhà đầu tư nước ngoài nào, hãy nói họ tới đây. Chúng tôi sẽ chào đón họ”.

Connie Carter, một giáo sư luật và kinh tế quốc tế tại đại học Royal Roads University, Victoria, Canada, người đã tham dự một hội thảo chuyên đề về kinh tế hồi tháng trước cho biết, cho dù các đặc khu kinh tế có thể “lớn mạnh và có tiềm năng hữu ích”, Triều Tiên không có dấu hiệu nào cho thấy đang thực thi các cải cách sâu rộng từng tạo ra tăng trưởng tại các nước như Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam.

“Tôi e rằng thay vì trở thành một chú ngỗng vàng, với tình hình hiện tại, ý tưởng về các đặc khu kinh tế của Triều Tiên có thể chỉ giống như những con vịt chết”, bà Carter nhận định.

Thanh Tùng
Theo AP
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước