1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bên trong nền kinh tế bí ẩn của Triều Tiên

(Dân trí) - Bị xem là nền kinh tế bị cô lập bậc nhất thế giới, vậy nhưng hoạt động giao thương của Triều Tiên vẫn sôi động thông qua các công ty trung gian tại Trung Quốc. Và dù không được thừa nhận nhưng kinh tế tư nhân tại đây vẫn âm thầm phát triển.

Bị bao vây bởi những lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế, nhưng Triều Tiên và nền kinh tế của nước này không hề bị cô lập, khi các doanh nghiệp tư nhân đang bén rễ và lớn mạnh, giữa lúc tương lai của quốc gia này ngày càng gắn chặt với đồng minh Trung Quốc.

Người Triều Tiên không còn hoàn toàn lệ thuộc vào các cửa hàng mậu dịch quốc doanh
Người Triều Tiên không còn hoàn toàn lệ thuộc vào các cửa hàng mậu dịch quốc doanh

Tại các khu chợ, các doanh nhân thực hiện giao dịch bằng tiền mặt. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, cung cấp nhiều hàng hóa, đặc sản như đánh bắt cá, vận tải, nhà hàng và thảo dược.

“Trung bình các hộ gia đình tại Triều Tiên kiếm được 3/4 thu nhập của mình từ hoạt động kinh tế tư nhân”, Andrei Lankov, giáo sư sử học tại đại học Kookmin ở Seoul cho biết.

Hoạt động ngoại thương của Triều Tiên hầu như hoàn toàn gắn với Trung Quốc. Và nhờ mạng lưới các thương nhân trung gian Trung Quốc, những người giữ vai trò như môi giới giữa các công ty thương mại quốc doanh Triều Tiên với các công ty tại Trung Quốc, Triều Tiên không còn cần phải tìm kiếm hàng hóa trên thị trường thế giới.

Tất cả những gì họ cần, từ rượu tới thiết bị nông nghiệp, chỉ cần gọi điện cho công ty phía Trung Quốc là có, John Park, một chuyên gia về Triều Tiên cho biết. Do đó nếu quan sát kỹ hơn nền kinh tế của Triều Tiên, bạn sẽ thấy nhiều mầm mống của kinh tế tư bản. “Những mầm mống lớn mạnh”, Lankov khẳng định.

Bị thôi thúc bởi bối cảnh, người Triều Tiên, từ các bà nội trợ tới những giới chính trị thượng lưu nhiều mối quan hệ, đều có những hoạt động kinh tế tư nhân bí mật. Ví dụ, nếu bạn đến một khu chợ ngoài trời tại Triều Tiên, bạn sẽ sẽ thấy việc dùng hàng đổi hàng đã nhường chỗ cho các giao dịch tiền mặt, và thường bằng ngoại tệ, nhất là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, giáo sư Lankov nói.

Theo ghi nhận của CIA Factbook, tính đến năm 2010, GDP bình quân đầu người của Triều Tiên vào khoảng 1800 USD/năm, tương đương với Ghana. Trong khi đó mức GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc hiện là hơn 22.000 USD.

Tại các thành phố của Triều Tiên, nhiều khu chợ mọc lên và là nơi phụ nữ kiếm thu nhập cho gia đình. Trong khi nam giới thường làm việc tại các doanh nghiệp quốc doanh, khoảng 3/4 những người bán hàng tại các khu chợ tạm hiện nay là phụ nữ.

Khoảng từ năm 2000, các khu chợ này dần được thay thế bằng những chợ to hơn và thường được chính quyền ngó lơ cho tồn tại. “Tôi không cho rằng đó là “chợ đen””, ông Lankov khẳng định. Ông từng sống tại Triều Tiên những năm 1980 khi còn là sinh viên của chương trình trao đổi học sinh giữa nước này với Liên Xô. Và các khu chợ mới chỉ là điểm khởi đầu.

Hoạt động giao thương Triều Tiên - Trung Quốc ngày càng nhộn nhịp
Hoạt động giao thương Triều Tiên - Trung Quốc ngày càng nhộn nhịp

Các công ty thương mại Triều Tiên kiếm tiền ra sao?

Theo ông Lankov, một điểm đặc biệt của kinh tế Triều Tiên hiện nay đó là ranh giới ngày càng mờ nhạt giữa hoạt động tạo thu nhập của nhà nước và tư nhân. Vùng xám này trở nên đặc biệt đúng đối với cái gọi là các công ty có thu nhập ngoại tệ. Họ bán tài nguyên cho Trung Quốc và sau đó nhập khẩu hàng tiêu dùng về Triều Tiên, kể cả rượu cognac hay xe Mercedes. Có khoảng 200 – 500 công ty như vậy.

Ngoài ra còn có một nhóm các dự án kinh tế chung xuyên biên giới. Dự án cuối cùng còn lại hiện nay là khu công nghiệp chung Kaesong. Đến nay khu vực này vẫn chưa thể mở cửa trở lại sau khi bị đóng cửa hoàn toàn hồi tháng 4. Hoạt động của khu công nghiệp này được xem như hàn thử biểu cho mối quan hệ liên Triều.

Phản ứng của Bình Nhưỡng ra sao đối với các doanh nghiệp tư nhân? Nhìn chung chính quyền cho phép các hoạt động kinh tế thị trường ở một mức độ nhất định trong khi vẫn quản lý chặt chẽ. Riêng những hoạt động kinh tế phi pháp ngày càng bị siết chặt và có thể bị xem như đánh cắp tài sản nhà nước. Người vi phạm có thể bị đưa vào các trại lao động.

Yếu tố Trung Quốc ngày càng đậm nét

Trong quá trình thị trường hóa nền kinh tế, Triều Tiên ngày càng có nhiều hoạt động thương mại với Trung Quốc. Đơn cử như lĩnh vực khoáng sản của Triều Tiên, đều là để phục vụ nhu cầu của Trung Quốc, chuyên gia về Triều Tiên Park khẳng định với CNBC.

Trung Quốc muốn có sự ổn định quanh bán đảo Triều Tiên. Và sự chia rẽ giữa hai miền càng khiến Trung Quốc được hưởng những lợi ích kinh tế nhất định, trong đó có nguồn khoáng sản và nhân công giá rẻ nhưng tay nghề khá cao, so với tại Trung Quốc.

Và khi các lệnh cấm vận ngày càng thắt chặt, người Triều Tiên và Trung Quốc đáp lại bằng những hoạt động tinh vi hơn, thay vì ngừng giao dịch. “Những giao dịch đó đang diễn ra ngày càng tăng bên trong lãnh thổ Trung Quốc và nền kinh tế nước này”, ông Park, chuyên gia đến từ Trung tâm khoa học và đối ngoại Belfer, thuộc đại học Harvard khẳng định.

“Các công ty thương mại quốc doanh của Triều Tiên hiện đang có cơ hội thuê mướn năng lực cũng những bên trung gian này. Đây là một hiện tượng trước đây chưa từng có”.

Thanh Tùng
Theo CNBC