1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng nhanh nhất 4 năm qua

(Dân trí) - Trong năm 2012, năm đầu tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-Un, kinh tế Triều Tiên được cho là đã tăng trưởng 1,3%, và là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ 2009, ngân hàng trung ương Hàn Quốc nhận định.

Kết quả trên vừa được ngân hàng trung ương Hàn Quốc công bố ngày 12/7. Như vậy, sau mức tăng trưởng 0,8% trong năm trước đó, đây là năm thứ hai liên tiếp kinh tế Triều Tiên khởi sắc và cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 4 năm gần đây.

Ông Kim Jong-Un trong một chuyến thị sát nhà máy
Ông Kim Jong-Un trong một chuyến thị sát nhà máy

Theo hãng tin AFP, khi cố lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-Il, qua đời tháng 12/2011 ông đã để lại cho con trai một nền kinh tế kiệt quệ. Nhưng nhà lãnh đạo mới Kim Jong-Un đã kêu gọi có những biện pháp “chuyển hướng mạnh mẽ” trong việc cải thiện tình trạng nghèo nàn của nền kinh tế.

Năm 2009 và 2010 GDP của Triều Tiên sụt giảm lần lượt 0,9% và 0,5% sau khi tăng trưởng 3,1% trong năm 2008.

Trong năm ngoái, tổng thu nhập quốc gia (GNI) của nước này đạt mức 33,5 nghìn tỷ won (29,7 tỷ USD), chỉ bằng 2,6% mức GNI 1.279,5 nghìn tỷ won của Hàn Quốc, ngân hàng trung ương Hàn Quốc khẳng định.

Theo cơ quan này, tăng trưởng của kinh tế Triều Tiên năm ngoái chủ yếu đến từ lĩnh vực sản xuất. Và việc lĩnh vực sản xuất phát triển phần nào phản ánh khả năng cung ứng điện tốt hơn dưới thời ông Kim Jong-Un, người cũng đã chỉ đạo gia tăng sản lượng chăn nuôi và nông nghiệp.

Năm 2012, ngành nông nghiệp và ngư nghiệp của nước này tăng trưởng 3,9% so với năm ngoái, trong khi đó sản xuất tăng trưởng 1,6%, một sự chuyển hướng mạnh sau khi sụt giảm tới 3% trong năm 2011.

Kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên đạt mức 6,8 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước, bản báo cáo thường niên của ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết. Năm qua, dù Liên Hợp Quốc gia tăng các biện pháp cấm vận Bình Nhưỡng, hoạt động thương mại của nước này với Trung Quốc vẫn tăng mạnh.

Kinh tế Triều Tiên hiện đang bị kìm hãm bởi sự thiếu hụt nghiêm trọng điện và các nguyên liệu thô cùng nạn đói triền miên. Tình hình càng thêm khó khăn khi cộng đồng quốc tế gia tăng các biện pháp trừng phạt sau khi nước này thử hạt nhân và tên lửa hồi đầu năm, khiến việc tiếp cận các nguồn vốn quốc tế của Triều Tiên bị hạn chế.

Những con số ước chừng

Hàng năm Seoul vẫn công bố những dữ liệu về kinh tế Triều Tiên mà mình thu thập được để so sánh tốc độ tăng trưởng qua các năm, và một ý nghĩa có lẽ thiết thực hơn đó là để tính toán những chi phí cần thiết cho một cuộc tái thống nhất hai miền nếu có.

Lĩnh vực sản xuất của Triều Tiên được cho là đã tăng trưởng mạnh
Lĩnh vực sản xuất của Triều Tiên được cho là đã tăng trưởng mạnh

Do Triều Tiên không hề công bố số liệu kinh tế chính thức, những con số được ngân hàng trung ương Hàn Quốc đưa ra chủ yếu thông qua các nguồn tin tình báo, hoặc ước chừng. Ngoài ra, cơ quan này cho rằng sự khởi sắc của kinh tế Triều Tiên có phần đóng góp không nhỏ từ sự hào phóng của các nhà tài trợ quốc tế.

“Sau cơn bão Bolaven đổ bộ vào bán đảo Triều Tiên tháng 8 năm ngoái, Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức cứu trợ khác đã hỗ trợ nước này bằng cách cấp thêm lương thực và phân bón, giúp cho sản lượng gạo và ngô tăng lên”, một đại diện của ngân hàng trung ương Hàn Quốc khẳng định với tạp chí phố Wall.

Một trong những vấn đề trong dữ liệu của cơ quan này về Triều Tiên, vốn được thu thập từ Cơ quan tình báo quốc gia và các tổ chức khác của Hàn Quốc nghiên cứu về Triều Tiên, đó là họ giả định rằng sự thay đổi về giá và các biến số khác tương tự như tại Hàn Quốc trong cùng thời kỳ.

Do đó dù ngân hàng trung ương Hàn Quốc nhận định sản lượng nông nghiệp và ngư nghiệp của Triều Tiên tăng 3,9% trong năm 2012, thực tế là nước này vẫn không sản xuất đủ lương thực nuôi sống 24,4 triệu người. Trong một bản báo cáo mới công bố hôm 11/7, Liên Hợp Quốc từng khẳng định Bình Nhưỡng đang đối mặt với nạn thiếu lương thực nghiêm trọng.

“Kinh tế của Triều Tiên vẫn đang trong giai đoạn của Hàn Quốc những năm 1970. Nhiều người đang chết đói”, Kim Chun-goo, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Hyundai cho biết. “Hàn Quốc cần có nhiều nỗ lực hơn trong việc thu hẹp khoảng cách kinh tế với Triều Tiên. Điều này sẽ giúp Seoul giảm được chi phí tái thống nhất khổng lồ”.

Theo Bộ thống nhất Hàn Quốc, tổng chi phí của nhiều năm để tái thống nhất hai miền có thể lên tới 250 nghìn tỷ won, tương đương một phần tư GDP Hàn Quốc trong năm 2012.

Thanh Tùng
Tổng hợp