Triết lý bền vững giúp ABBank vượt khó
(Dân trí) - Hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2021 khó khăn, cổ phiếu tăng gấp đôi so với mức tăng của VN-Index, ABBank đã có thêm một năm mang lại nhiều thành quả cho cổ đông từ triết lý phát triển bền vững, lấy khách hàng là trọng tâm.
Kết quả kinh doanh năm 2021 vừa được Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) công bố cho thấy, nhà băng này đã hoàn thành các chỉ tiêu được đại hội đồng cổ đông giao.
Theo đó, tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng tài sản của ABBank đạt 121.620 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 1.979 tỷ đồng như chỉ tiêu đề ra.
Ngân hàng cũng ghi nhận dư nợ tín dụng đạt 78.640 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2020. Trong đó, dư nợ của nhóm khách hàng cá nhân đạt 33.174 tỷ đồng, dư nợ nhóm khách hàng SMEs đạt 16.609 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 10%. Huy động từ khách hàng đạt 79.255 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020. Thu thuần từ phí dịch vụ đạt 372 tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2020. Thu nhập thuần từ lãi đạt 3.038 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020.
Trong năm 2021, ABBank cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác vận hành, quản trị rủi ro, quản trị tín dụng và xử lý nợ. Nhờ đó, tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 12,79%; RoA đạt 1,5%; RoE đạt 16,5%. Nợ xấu được duy trì kiểm soát ở mức 1,45% trên tổng dư nợ. Tiềm lực tài chính của ngân hàng được củng cố. Năng suất lao động của nhân viên tăng mạnh, lần đầu tiên đạt mức bình quân 511 triệu đồng/người, tăng 42% so với năm 2020 nhờ tập trung hóa triệt để và ứng dụng công nghệ cho các hoạt động thẩm định và phê duyệt tín dụng, vận hành tín dụng, kho quỹ…
Ông Lê Hải - Tổng giám đốc ABBank cho biết: "Vừa hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2021, vừa liên tục có những chính sách hỗ trợ khách hàng trong đại dịch không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi thị trường vẫn diễn biến khó lường. Thành quả này có được từ việc bám sát chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, liên tục nâng cấp chất lượng chuỗi kinh doanh - vận hành - quản trị mà ABBank đã đề ra. Chúng tôi xây dựng nền tảng vững chắc để có được sự linh hoạt và thích ứng với các tình huống khác nhau".
Các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ABB đã có một năm khá "rực rỡ". Chào sàn UPCoM vào ngày 28/12/2020 với giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu, ABB mở đầu năm 2021 tại mức 12.270 đồng rồi "chốt" năm ở mức 22.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 79% về thị giá. Trong năm 2021, cổ phiếu ABB bứt tốc trong nửa đầu năm theo xu hướng chung của ngành với các phiên tăng điểm và từng lập đỉnh 22.710 đồng/cổ phiếu hôm 31/5/2021. Sau quãng hạ nhiệt và điều chỉnh, đến tháng 11/2021, thị giá cổ phiếu ABB lên 24.200 đồng/cổ phiếu trong phiên 24/11 trước khi bị áp lực bán tại vùng giá cao và giảm về quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu trong tháng cuối năm.
Năm 2021 cũng là năm bận rộn với ABBank. Ngân hàng này thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 vừa hoàn thành thông qua việc phát hành hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và hơn 11 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP cho gần 2.000 cán bộ nhân viên đủ điều kiện.
Giai đoạn 2 đang được gấp rút thực hiện với việc phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% trên số cổ phần sau tăng vốn giai đoạn 1 và dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2022. Cơ cấu cổ đông lớn của ABBANK sau tăng vốn vẫn bao gồm Geleximco, Maybank, IFC. Trong đó, hai cổ đông lớn nước ngoài nắm giữ 24,59% cổ phần. Nhóm cổ đông lớn tiếp tục cam kết gắn bó, hỗ trợ ABBank phát triển ổn định trong tương lai.
Nguồn vốn tăng thêm sẽ được ngân hàng sử dụng để đảm bảo và nâng cao các chỉ số an toàn vốn, bổ sung quy mô vốn hoạt động nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như hoạt động cho vay, đầu tư các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, đồng thời một phần được sử dụng để đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tăng cường nền tảng số hóa của ABBank.
Ngay sau khi hoàn tất lộ trình tăng vốn, ABBank sẽ tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để chuyển mã cổ phiếu ABB từ sàn UPCoM lên sàn niêm yết.
Những động thái chuyển sàn, tăng vốn điều lệ như của ABBank, theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VNDirect, là những câu chuyện tích cực. Chuyển sàn sẽ khiến cổ phiếu của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc công bố thông tin, còn tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn của Basel II với lộ trình, mục đích sử dụng rõ ràng, cụ thể là một điểm cộng, bà Hiền chia sẻ tại Talkshow "Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại "ngôi vương"?" diễn ra mới đây.
Theo các chuyên gia, cổ phiếu ngân hàng có công bố thông tin minh bạch sẽ được chú ý sau khi các nhà đầu tư nhận ra việc đầu tư cổ phiếu được hô hào trên các hội nhóm, các doanh nghiệp ít thông tin sẽ rất rủi ro. Trong khi đó, các dòng vốn nước ngoài cũng đang có xu hướng quay lại và cổ phiếu ngân hàng được quan tâm khi tỷ lệ bao phủ vaccine khá cao và những đánh giá tác động từ việc điều chỉnh lãi suất của FED không lớn. Trong bối cảnh này, ngân hàng nào có khả năng tăng trưởng mạnh tín dụng và thu nhập ngoài lãi, có chất lượng tài sản tốt thì sẽ có lợi thế.