Trên 400 doanh nghiệp Nhà nước đã phá sản, giải thể

(Dân trí) - Với việc thực hiện tái cơ cấu, đến nay đã có gần 6.400 doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp, trong đó, cổ phần hóa hơn 3.600 doanh nghiệp và gần 900 doanh nghiệp nhà nước đã được hợp nhất, sáp nhập, trên 400 doanh nghiệp phá sản, giải thể.

Trong làn sóng tái cơ cấu, hàng trăm DNNN đã phải rời bỏ thị trường (ảnh minh họa).
Trong làn sóng tái cơ cấu, hàng trăm DNNN đã phải rời bỏ thị trường (ảnh minh họa).

Theo số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, đến nay cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.376 doanh nghiệp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Có tiền nên đầu tư vào đâu năm 2014?


Trong số này, cổ phần hóa 3.659 doanh nghiệp; chuyển thành Công ty TNHH Một thành viên là 1.033 doanh nghiệp; giao 222 doanh nghiệp; bán 158 doanh nghiệp; giải thể 313 doanh nghiệp và cho phá sản 92 doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, đã chuyển thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên 22 doanh nghiệp và thực hiện sáp nhập, hợp nhất... với 877 doanh nghiệp.

Báo cáo cũng cho thấy, có 83/91 Tập đoàn, Tổng công ty (không bao gồm 18 Tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng) đã xây dựng được Đề án tái cơ cấu và 63 đề án trong số này đã được phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 17 doanh nghiệp, gồm 8 Tập đoàn (Dệt may Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Than Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Hoá Chất, Cao su Việt Nam, Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, Viễn thông Quân đội) và 9 Tổng công ty đặc biệt (Tổng công ty Giấy, Thuốc lá, Lương thực Miền Bắc, Lương thực Miền Nam, Cà phê, Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Xi măng). 

Như vậy, vẫn còn 8/91 đơn vị chưa báo cáo việc xây dựng Đề án tái cơ cấu gồm Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam hiện đang thực hiện cổ phần hoá, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long mới thành lập, Tổng công ty Thiết bị y tế, Tổng công ty bưu điện Việt Nam và 4 doanh nghiệp khác thuộc UBND tỉnh Bình Dương và Hà Nội.

Sau khi sắp xếp, cổ phần hóa, hiệu quả hoạt động của các DNNN được đánh giá đã từng bước nâng cao. Căn cứ báo cáo của 3.576 doanh nghiệp thì 85% các doanh nghiệp có doanh thu năm sau cao hơn năm trước khi sắp xếp, cổ phần hóa; gần 90% doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn và 86% doanh nghiệp đóng góp vào NSNN nhiều hơn.

Lao động dôi dư ở các đơn vị sắp xếp, cổ phần hóa tiếp tục được hưởng chính sách trợ cấp; được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề để bố trí việc làm mới tại doanh nghiệp cổ phần hoá hoặc tự thu xếp công việc mới. 

Tính đến 31/3/2013, đã có hơn 170.000 lao động dôi dư được giải quyết chế độ theo các chính sách đã được ban hành với tổng số tiền hơn 5.600 tỷ đồng, bình quân là 32,7 triệu đồng/người. Trong đó, người lao động dôi dư tại các doanh nghiệp thuộc địa phương chiếm 57% và kinh phí chi trả chiếm 52%.

Tuy nhiên, nhìn chung, số lượng doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá không thuộc diện nhà nước cần chi phối có tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp trên 51% vốn điều lệ còn cao, đặc biệt là tại các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Do đó, sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển doanh nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội nói chung vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết được nguồn lực hiện có.

Một phần nguyên nhân đó là thị trường chứng khoán, bất động sản trong thời gian qua còn trầm lắng nên việc cổ phần hóa, bán cổ phiếu ra công chúng và thoái vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn, giá bán không cao. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, việc thoái vốn Nhà nước đã đầu tư ngoài ngành, nghề kinh doanh chính và thoái vốn ở những công ty cổ phần mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối.  

Bên cạnh đó, do yêu cầu phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của các DNNN trong quá trình tái cơ cấu cũng tạo áp lực về lượng cung hàng lớn lên thị trường chứng khoán trong điều kiện hiện nay đã hạn chế kết quả mang lại từ công tác cổ phần hoá DNNN là không đảm bảo đạt được mục tiêu huy động vốn từ thị trường chứng khoán qua cổ phần hoá.

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước