Trao quyền tỉnh tự quyết chuyển đất lúa, đất rừng: Đại biểu Quốc hội lo gì?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Thống nhất việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho 4 tỉnh thành, tuy nhiên đối với các nội dung cụ thể tại dự thảo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra một số điểm cần xem xét lại.

Trao quyền tỉnh tự quyết chuyển đất lúa, đất rừng: Đại biểu Quốc hội lo gì? - 1

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế (Ảnh: QH).

Cân nhắc lộ trình trao quyền Hải Phòng tự điều chỉnh phí, lệ phí

Sáng nay (27/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Thảo luận về dự thảo này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cho biết cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng tính chủ động cho các địa phương hưởng đặc thù.

Tuy nhiên, đại biểu cũng góp ý về nội dung ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Cụ thể, tại dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù cho Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế đều xác định rõ, còn với Hải Phòng, đại biểu băn khoăn khi chưa rõ về mục tiêu.

Theo đó đại biểu nhấn mạnh Hải Phòng nên chi cho đầu tư phát triển hạ tầng như 3 địa phương còn lại thay vì chi thường xuyên.

Bàn thêm về cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, đại biểu Luận cũng cho rằng nên cân nhắc xem xét việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn Hải Phòng.

"Tôi thống nhất việc trao quyền chủ động cho Hải Phòng trong điều chỉnh mức phí, lệ phí. Tuy nhiên cần cân nhắc xem xét lộ trình bởi đang thời điểm hồi phục kinh tế. Đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải, logistics đang hết sức khó khăn", đại biểu nêu vấn đề.

Theo Dự thảo Nghị quyết, Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hải Phòng được ban hành phí, lệ phí chưa có trong danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của Luật.

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng lưu ý cơ chế này cần bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.

Lo cạnh tranh không lành mạnh khi trao đặc thù cho một số tỉnh

Về cơ chế đặc thù trong quản lý đất đai, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng lo ngại, việc tăng phân cấp rất mạnh cho các địa phương sẽ tạo điều kiện cho các địa phương có quỹ đất để thực hiện các dự án lớn như khu công nghiệp, khu đô thị…. nhưng các địa phương khác lại còn khó khăn, còn nút thắt trong vấn đề này.

Liệu có lo ngại sự cạnh tranh không lành mạnh trong vấn đề thu hút đầu tư giữa các địa phương này hay không, việc này cần làm rõ hơn trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, đại biểu Luận đặt vấn đề.

Còn theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), cơ chế thí điểm ngắn hạn, còn quy hoạch là dài hạn. Khi ban hành chính sách cơ chế đặc thù các địa phương này đã tính tới sự liên kết với các địa phương lân cận hay chưa? Chúng ta phải đặt cơ chế đặc thù trong tổng thể nền kinh tế chứ không phải từng tỉnh riêng lẻ, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nhân cũng băn khoăn, khi xây dựng cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, xác định vai trò thành phố Đà Nẵng tiếp tục là trung tâm, là đầu tàu kinh tế của miền Trung và Tây nguyên.

Tuy nhiên lần này đề cập đến Thanh Hóa, tờ trình cũng nhấn mạnh địa phương này từng bước là động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước.

"Có hay không sự chồng lấn về vai trò đầu tàu hay động lực tăng trưởng khu vực miền Trung giữa Thanh Hóa, Đà Nẵng trong trường hợp này… Các địa phương mới hưởng đặc thù sẽ đóng vai trò như thế nào trong chiến lược liên kết vùng", đại biểu Nhân đặt vấn đề.

Để tránh những tồn tại xảy ra dù chủ quan hay khách quan, đại biểu Nhân cho rằng, dự thảo nên kèm theo chương trình hay đề án nhiệm vụ cam kết hiệu quả của Nghị quyết đối ứng với niềm tin gần 500 đại biểu trao cho các địa phương này.

"Trong khi Quốc hội xem xét đặc thù một số tỉnh thành thì cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn là câu chuyện mang tính thảo luận cùng với quy hoạch quốc gia, chưa được định hình", đại biểu nói và cho biết vẫn mong cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng trọng điểm để hồi phục kinh tế, là liều thuốc đủ mạnh cho cơ thể ốm yếu sau cơn bệnh.

Góp ý về vấn đề đất đai, ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Xã hội của Quốc hội cũng cho biết, ông thống nhất cao về việc Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

Bởi theo ông Hạ, Nghị quyết sẽ tạo cơ chế, động lực, điều kiện để cho các tỉnh này phát triển; thí điểm chính sách để hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên cơ chế chính sách cụ thể thì đại biểu Hạ cũng cho rằng cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lợi thế thế mạnh của từng tỉnh để có chính sách phù hợp, để phát huy được cao nhất thế mạnh, đạt được hiệu quả cao nhất.

Ông Hạ cho rằng, rừng không phải là vấn đề của địa phương, của tỉnh mà rừng là vấn đề của vùng, khu vực, thậm chí của thế giới. Tuy nhiên bây giờ trao quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì sau này kiểm tra, giám sát không kỹ và không có quy định cụ thể thì vấn đề chiến lược phát triển rừng có đạt được không?

Về phần tổ chức thực hiện, ngoài trách nhiệm của Chính phủ, các tỉnh, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của người đứng đầu. Thậm chí cả chế tài để việc tổ chức thực hiện đúng, nghiêm và có hiệu quả nghị quyết này.

"Nghị quyết này ban hành, tôi cho rằng, đây không phải chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho những người lãnh đạo, người đứng đầu có năng lực, có tài năng, dám nghĩ, dám làm. Đồng thời có thêm chế tài, thêm quy định trách nhiệm của người đứng đầu để khẳng định với các tỉnh thành còn lại, đây không phải cơ chế "xin - cho", đại biểu Hạ nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị quyết quy định "Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha và Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000 ha".

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định "Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định".