Trao quyền điều tra, khởi tố để nâng tầm Uỷ ban chứng khoán

(Dân trí) - Việc xử phạt hành chính được UBCKNN sử dụng quá nhiều đã khiến thị trường trở nên "nhờn thuốc", do vậy, để chấn chỉnh, vai trò của UBCKNN cần được nâng lên một tầm cao hơn. Và việc trao quyền điều tra, khởi tố cho UBCKNN cũng không còn mới lạ.

Trao quyền điều tra, khởi tố để nâng tầm Uỷ ban chứng khoán

TTCK nhiều lần lặp lại "thảm kịch" bầu Kiên đang tạo ra những mối lo ngại cho giới đầu tư khi tính tuân thủ của các thành viên tham gia thị trường rất yếu.

Mới đây, kiến nghị trao quyền điều tra, khởi tố cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước của Bộ Tài chính được xem là một động thái gây bất ngờ.

Theo đó, tại góp ý cho dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi vừa gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính đã đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với 3 tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự gồm: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a), tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b) và tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c).

Quyền hạn này cao hơn rất nhiều so với quyền hạn của UBCKNN hiện nay, chỉ dừng ở phạt và xử lý hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp nghiêm trọng, Ủy ban chuyển sang cơ quan công an điều tra, xử lý.

Ở thời điểm này, khi UBCKNN vẫn đang là một cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, đề xuất trên rất táo bạo và gây “sốc”. Nhưng trên thực tế, ý tưởng này đã được đưa ra từ 3 năm trước ngay trên diễn đàn Quốc hội vào tháng 11/2010 khi thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Lúc đó, ông Hà Văn Hiền với cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã đánh giá, trong quá trình thực thi luật Chứng khoán, các cơ quan chức năng còn lúng túng do quy định chức năng của UBCKNN chưa rõ ràng. Do vậy, nên giao Chính phủ quy định một số quyền cho UBCKNN được tiến hành điều tra, xác minh các vi phạm, xử lý hành chính và có thể khởi tố hình sự.

Hơn nữa, bản thân Tổng cục Hải Quan, một cơ quan thuộc Bộ Tài chính cũng đã được trao quyền này. Tất nhiên, việc truy tố, xử lý vẫn là công việc của cơ quan kiểm sát.

Trao quyền điều tra, khởi tố để nâng tầm Uỷ ban chứng khoán
Ông Tống Minh Tuấn: Sẽ giảm thiểu được đáng kể thời gian xử lý khi trao quyền khởi tố, điều tra cho UBCKNN.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Tống Minh Tuấn - Trưởng phòng phân tích VCBS (Công ty chứng khoán của ngân hàng Vietcombank) cho rằng, việc tăng thêm quyền cho UBCKNN sẽ giúp công tác quản lý thị trường được chặt chẽ và nghiêm minh hơn. Bởi hơn ai hết, Ủy ban là cơ quan có nghiệp vụ sát sườn nhất.

“Họ biết rõ anh này, anh kia vi phạm hay không vi phạm, vi phạm ở mức độ nào. Tôi thấy, nếu UBCKNN được quyền xử lý nữa thì quá tốt, sẽ rút ngắn được nhiều thời gian. Có những vụ mang tính chất xử lý mà phải chờ công an vào cuộc như trước đây thì bây giờ Ủy ban đã có chức năng xử lý rồi. Tính răn đe với thị trường sẽ nâng lên rất nhiều!” – ông Tuấn đánh giá.

Theo ông, gần đây, có rất nhiều Công ty chứng khoán hoặc doanh nghiệp niêm yết có cổ phiếu giao dịch không khai báo. Bây giờ, trường hợp này vẫn đang phạt hành chính, nhưng sau này khi Ủy ban được giao quyền điều tra và khởi tố nữa thì sức ảnh hưởng của các quyết định từ Ủy ban trực tiếp lên thị trường sẽ rất mạnh, nhất là khi chúng ta đang trong lộ trình tăng tính độc lập và vị trí của UBCK.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, chắc chắn sẽ có những khó khăn nếu đề xuất được thông qua. Đó là tâm lý sẵn có của nhà đầu tư, của thị trường thông thường vẫn e dè, “sợ sệt” công an hơn là đối với một cơ quan quản lý như UBCKNN. “Tôi nghĩ thời gian đầu trong công tác khởi tố vẫn có sự hỗ trợ từ bên công an”.

Dù vậy, nhìn chung, việc đề xuất tăng quyền cho UBCKNN đang cho thấy, Việt Nam đã có xu hướng tiệm cần dần với thông lệ quốc tế. Ông Tuấn cho biết, “UBCK các nước có quyền cao hơn nhiều so với mình. Chẳng hạn như ở Mỹ, theo Luật Chứng khoán 1933-1934, Ủy ban chứng khoán (SEC) là một cơ quan độc lập thuộc chính phủ. Quyền của họ “to lắm!”, có quyền khởi tố, kiện, tổ chức, cá nhân nào mà “dính” vào thì lãnh án rất nặng. Họ phải chặt chẽ như vậy mới duy trì được pháp luật”.

Một chuyên gia đến từ Ủy ban Kinh tế Quốc hội là ông Đinh Tuấn Minh cũng cho biết, ở nhiều quốc gia, quyền của UBCKNN là rất lớn, trong đó có quyền điều tra và khởi tố, SEC là một điển hình. 

Ngoài ra, một số Ủy ban khác như Ủy ban giám quản chứng khoán Trung quốc hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Thái Lan cũng là những cơ quan có quyền lực ngang Bộ, trực thuộc Chính phủ.

Ai sợ phạt hành chính!?

Có một thực tế khó phủ nhận, đó là sớm hay muộn, thị trường vốn cũng sẽ dần khẳng định vị trí quan trọng trong cung ứng nguồn lực vốn cho nền kinh tế, thay vì việc các doanh nghiệp lệ thuộc vốn trực tiếp từ các ngân hàng như hiện nay.

Bất cứ một tác động xấu nào trên thị trường vốn nói chung và cụ thể là thị trường chứng khoán tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư thì nền kinh tế cũng sẽ không tránh khỏi rúng động. Thế nhưng, việc giám sát, quản lý thị trường này vẫn đang có nhiều vấn đề. Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo ngại, với một khối lượng công việc đồ sộ như vậy, Bộ Tài chính sẽ khó mà quản lý nổi một cách chi tiết, sâu sát trong khi vẫn còn “kham” cả hải quan, thuế…

Còn nhớ cách đây 1 năm, thời điểm ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, liên tiếp sau đó là loạt tin đồn thất thiệt được tung ra liên quan đến các lãnh đạo ngân hàng khác dính vòng lao lý, lập tức thị trường tài chính náo loạn, hang tỷ USD “bốc hơi” không phương cứu vãn… Thế nhưng, cho tới hiện tại, thủ phạm vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. 

Tới vụ việc tháng 2 năm nay, khi có tin đồn ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển bị bắt, 34.000 tỷ đồng thất thoát khỏi thị trường chứng khoán. Có 3 đối tượng bị đưa ra ánh sáng, thế nhưng, mỗi người chỉ bị phạt 10 đến 15 triệu đồng!

Thông tư liên tịch số 10/2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án NDTC, Viện KSNDTC, Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán chính thức có hiệu lực từ 15/8. Và trước thời điểm này, chỉ có duy nhất 1 vụ án được đưa ra xử lý hình sự liên quan đến Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược Viễn Đông bị cơ quan chức năng khởi tố và đưa ra xét xử về tội thao túng giá chứng khoán. 

Ở đây, chưa bàn đến các văn bản pháp lý quy định về xử phạt ở lĩnh vực chứng khoán, mà cần đề cập đến vai trò, “uy lực” của UBCKNN – cơ quan cao nhất trong ngành này đối với thị trường. Đúng như đánh giá của ông Tống Minh Tuấn, với vai trò một cơ quan chỉ có chức năng xử phạt hành chính thì khó mà chỉnh đốn triệt để được tính “bất tuân” của các doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư…

Thống kê cho thấy, trong năm 2012, có 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được UBCKNN ban hành đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt là 11 tỷ đồng (số hồ sơ chuyển công an là 4 vụ). Trong 6 tháng đầu năm 2013, có thêm 40 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành với tổng số tiền phạt là 2,9 tỷ đồng. Rõ ràng, số tiền phạt này không “thấm” vào đâu so với những khoản kếch xù mà các đối tượng vi phạm đã bỏ túi.

Phạt hành chính dường như là một liều thuốc được Ủy ban Chứng khoán sử dụng quá nhiều, nhiều đến nỗi đã “nhờn thuốc” với các thành viên tham gia thị trường!

Vì vậy, dễ hiểu vì sao, khi đề xuất trên được đưa ra đã nhận được nhiều sự đồng thuận của giới đầu tư như vậy với mong muốn, tầm quan trọng của UBCKNN nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung được nâng lên. Đồng thời, quyết tâm làm trong sạch thị trường này cũng là bảo vệ nguồn vốn chính đáng cho nền kinh tế.

"Chưa có tiền lệ"

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự khi trao đổi với PV Dân trí lại cho rằng, quyền công tố thuộc về cơ quan công tố và đúng theo chức năng hiện nay, viện kiểm soát và công an là hai cơ quan có quyền này.
Trong khi đó, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị hành pháp, quản lý các hoạt động trên thị trường chứng khoán, với chức năng chủ yếu là hướng dẫn và phát triển thị trường.

Do đó, các đơn vị chức năng không nên kiến nghị trao quyền như thế cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nếu không, nó sẽ tạo tiền lệ cho các sở ban ngành nào cũng yêu cầu có quyền khởi tố lĩnh vực của mình và khi đó, cơ quan công tố nằm ở đâu? Nếu giao quyền khởi tố cho Ủy Ban Chứng khoán, nó sẽ bị sai về quy định thể chế về phân khúc quyền năng của các cơ quan tố tụng. 
Nguyễn Hiền

Bích Diệp