Tranh luận "thủ phạm" khiến tiền điện nhảy vọt, chuyên gia đưa đề xuất mới

(Dân trí) - Chuyên gia cho biết, một số nước tính giá điện theo bậc thang nhưng không tính tháng như Việt Nam, mà tính theo năm. Vị này cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu, áp dụng.

Tranh luận thủ phạm khiến tiền điện nhảy vọt, chuyên gia đưa đề xuất mới - 1

EVN cho biết, dự kiến kỳ hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 20/6, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020).

Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.

EVN cho biết, dự kiến kỳ hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020.

Hoá đơn tiền điện tăng vọt là vấn đề thu hút sự quan tâm dư luận hiện nay. Nhiều hộ dân đã lên tiếng phản ánh việc hoá đơn tiền điện tăng vọt gấp nhiều lần. Có trường hợp phản ánh tới Dân trí, hoá đơn tiền điện tại kỳ thanh toán tháng 6/2020 tăng gấp 5 lần các tháng trước dù hộ này chỉ duy nhất 1 thành viên.

Trước thông tin dư luận phản ánh về việc thời gian qua hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu EVN làm rõ; nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Loại trừ một số trường hợp hy hữu khi nhầm lẫn trong ghi chỉ số công tơ như ở Quảng Ninh, Quảng Bình… vừa qua, các chuyên gia cho rằng “thủ phạm" chính khiến hoá đơn tiền điện tăng vọt là ở bậc thang luỹ tiến.

Các chuyên gia cho rằng, biểu giá bán lẻ theo công thức luỹ tiến 6 bậc thang đã "lỗi thời", cần nhanh chóng sửa biểu giá bán lẻ điện bậc thang. Thậm chí có ý kiến còn đề xuất để 1 bậc.

Nói với Dân trí, TS. Trần Văn Bình, một chuyên gia trong ngành năng lượng cũng cho rằng câu chuyện tranh cãi về hoá đơn tiền điện nằm ở bậc thang luỹ tiến. Theo đó, có thể dùng gấp đôi số điện nhưng giá sẽ tăng nhiều hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, không thể bỏ bậc thang giá điện để một giá, bởi như vậy “người giàu sẽ được hưởng lợi, người nghèo chịu thiệt”.

Ông Bình cho biết, nhiều nước vẫn áp dụng cách tính luỹ tiến, dù nó có hạn chế khiến người dân khó hiểu trong việc tính giá điện song nó có ưu điểm là giúp người dùng tiết kiệm hơn, hạn chế dùng vào giờ cao điểm.

Nói với Dân trí, ông Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng chính sách giá điện bậc thang nhằm khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện và phân phối tài sản xã hội, theo đó người giàu dùng nhiều trả tiền nhiều, người nghèo dùng ít trả tiền ít.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, biểu giá điện bậc thang của Việt Nam hiện nay tính theo tháng. Chính điều này tạo nên sự chênh lệch rõ ràng giữa tháng nóng và tháng lạnh, thậm chí là sự chênh lệch giữa tháng nhiều ngày và ít ngày hơn.

Ông Đức lấy dẫn chứng sự vênh nhau giữa tháng có 28 ngày, tháng có 31 ngày đã lên đến 7%. “Ở nhiều nước, họ cũng tính giá điện theo bậc thang nhưng không tính tháng như Việt Nam, mà tính theo năm”, ông Đức cho rằng, với cách này sẽ không có sự chênh lệch lượng tiêu thụ quá lớn giữa điện giữa tháng nóng và tháng lạnh.

GS.TSKH. Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, việc tính giá điện bậc thang không chỉ áp dụng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang áp dụng. Việc tính giá điện theo bậc thang với mục đích giúp người dân tiết kiệm sử dụng điện, giảm lãng phí tài nguyên.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, thời gian tới, khi thị trường điện lực phát triển, áp dụng thành công thị trường bán lẻ điện theo hướng cạnh tranh, thì việc áp dụng biểu giá điện bậc thang sẽ bộc lộ nhiều bất cập.

Hiện giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc (bậc cao nhất là 401 kWh), trong đó hai bậc đầu là từ 0-50 kWh và 50-100 kWh, thì sự khác biệt không có nhiều. Số lượng hộ gia đình tiêu thụ điện dưới 100 kWh cũng không lớn. Nếu khách hàng sử dụng lượng điện từ bậc 6 trở lên phải chịu áp mức giá cao nên khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh.

Liên quan đến cách tính hoá đơn tiền điện, EVN cho biết, nếu một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do Covid-19).

Nếu sang tháng 5, gia đình này nếu tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%.

Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng – tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng - tăng 138,87% so với tháng 4.

Trước bất cập biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đã đề xuất việc giảm từ 6 bậc còn 5 bậc. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 5/2020, Bộ Công Thương đã kiến nghị cho phép lùi thời gian báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thời điểm hiện nay khi cả nước đang tập trung ứng phó với dịch Covid-19.

Đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương cần nhanh chóng hoàn thiện, trình phương án sửa đổi biểu giá điện bán lẻ để phù hợp với thực tiễn.

Nguyễn Mạnh