Tranh chấp chung cư vì chất lượng, dịch vụ chưa thống nhất
(Dân trí) - Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, chưa có sự thống nhất về giá dịch vụ và chất lượng cung cấp dịch vụ nhà chung cư, do đó đã xảy ra tranh chấp giữa một số hộ dân với chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý nhà.
Cư dân Keangnam phản đối những động thái của đơn vị quản lý nhà
Ông Tuấn cho rằng, việc áp dụng mô hình quản lý nhà chung cư nói chung không được nhất quán trong các dự án đầu tư. Do mỗi nhà chung cư có tính chất khác nhau. Việc quản lý và cơ chế quản lý nhà chung cư hiện nay thực hiện còn lúng túng, dẫn đến phải có mô hình quản lý riêng đối với dạng công trình, dự án đầu tư mang tính chất hỗn hợp này.
Về diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng trong nhà chung cư, Sở QHKT cho rằng, đã quy định trong Luật Nhà ở, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định và phân định rõ ràng diện tích sở hữu chung, riêng, quyền lợi, trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan trong quản lý, khai thác, vận hành. Việc quản lý tầng 1 và các diện tích công cộng trong các khu nhà chung cư còn hạn chế, gây tranh chấp, khiếu kiện.
Có quy định về quyền hạn và trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư nhưng chưa có quy định công nhận về pháp nhân và tiêu chuẩn tham gia ban quản trị.
Đã có quy định về mức thu phí quản lý vận hành nhưng mức thu kinh phí bảo trì khó thực hiện trong thực tế, đồng thời chưa có chính sách về mức thu kinh phí phù hợp đối với tính chất của từng dự án nhà chung cư (theo mức độ phân hạng nhà chung cư).
Ngoài ra, thời gian vừa qua, trong quá trình triển khai công tác quy hoạch kiến trúc đã có những chủ trương mới về phát triển đô thị theo quy hoạch chung cũng là những yếu tố khách quan tác động tới một số khu vực có các dự án nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
Về thực trạng quản lý các khu dịch vụ công cộng trong các khu chung cư chưa chặt chẽ, hiệu quả, gây mâu thuẫn với quyền lợi của các hộ dân (việc sử dụng các tầng hầm, tầng 1, tầng mái…). Chưa có sự thống nhất về giá dịch vụ và chất lượng cung cấp dịch vụ nhà chung cư, do đó đã xảy ra tranh chấp giữa một số hộ dân sử dụng dịch vụ và chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý nhà chung cư (về quản lý tầng hầm, tầng mái và diện tích sinh hoạt cộng đồng). Điển hình cho những mâu thuẫn đó là tại chung cư Keangnam (Từ Liêm), chung cư Golden Westlake (Tây Hồ), chung cư Themaner (93 Lò Đúc, Hai Bà Trưng), chung cư Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy)…
Theo Sở Quy hoạch kiến trúc nhiều nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng đã lâu nhưng trong qua trình đầu tư còn thiếu thủ tục dẫn đến chưa hoàn thành được việc cấp giấy chứng nhân quyền sở hữu cho người mua nhà.
Trước những bất cập trên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Dương Đức Tuấn đề nghị cả HĐND và UBND thành phố Hà Nội chị đạo các quận, huyện thường xuyên kiểm tra giám sát tình hình thực hiện quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn, đảm bảo trật tự an ninh, tổng hợp các ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân để có giải pháp giải quyết theo quy định. Xử lý nghiêm những vi phạm trong quản lý vận hành nhà chung cư, vi phạm về thực hiện cung cấp dịch vụ nhà chung cư đồng thời tham mưu đề xuất giải pháp về mô hình quản lý chung cư, phương pháp xác định giá dịch vụ nhà chung cư.
Chỉ đạo Sở TNMT khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua chung cư theo hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc và quản lý thống nhất toàn thành phố. Kiến nghị Bộ Xây dựng hoàn thiện việc xây dựng quy chế quản lý khai thác, vận hành và sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố cho phù hợp với thực tiễn quản lý sử dụng nhà chung cư.
Quang Phong