Tranh cãi thông tin “sữa thay thế sữa mẹ = sữa bò + hoá chất"

(Dân trí) - Trong khi Bộ Y tế định nghĩa "sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng với các hoá chất khác" thì các doanh nghiệp sữa lại cho rằng điều này sẽ gây hiểu nhầm và hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Y tế nhấn mạnh: Chúng ta không nên nhầm tưởng sữa thay thế sữa mẹ là tốt hơn sữa mẹ. Bởi bản chất của sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng với các hoá chất khác.
Bộ Y tế nhấn mạnh: "Chúng ta không nên nhầm tưởng sữa thay thế sữa mẹ là tốt hơn sữa mẹ. Bởi bản chất của sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng với các hoá chất khác".

Hiệp hội Sữa Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ "phản pháo" về thông tin phát đi từ Bộ Y tế trước đó cho biết “bản chất sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế biến từ sữa của bò cùng với các hoá chất khác”.

Về nội dung này, Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, tờ trình của Bộ Y tế đã nêu không đúng bản chất của sản phẩm, đi ngược lại với các tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật có tính pháp lý do chính Bộ Y tế ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

“Việc Bộ Y tế gọi các acid amin, vitamin và khoáng chất được bổ sung theo quy định của chính Bộ Y tế là các “hoá chất” sẽ dẫn đến những hiểu biết sai lệch về bản chất sản phẩm dinh dưỡng công thức, gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các hộ chăn nuôi bò và các doanh nghiệp kinh doanh sữa tại Việt Nam”, Hiệp hội này cho biết.

Hiệp hội các doanh nghiệp kinh doanh sữa cũng cho rằng, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều văn bản pháp lý thiếu nhất quán đã khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về công bố chất lượng sản phẩm và ghi nhãn sản phẩm.

Trước đó, sau khi có đề xuất sửa Luật Quảng cáo, giảm giới hạn cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 24 tháng xuống còn 12 tháng, Bộ Y tế đã có văn bản số 979 hôm 4/10, trình Thủ tướng có ý kiến về vấn đề này. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sự cần thiết phải cấm quảng cáo đối với sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Bộ Y tế nêu ra 6 lý do chủ chốt để xin giữ nguyên quy định về cấm quảng cáo sữa như hiện nay. Trong đó, nổi bật nhất là những lý do phân tích về tác hại của quảng cáo sữa và so sánh chất lượng sữa bột và sữa mẹ.

Bộ Y tế cho rằng: "Các doanh nghiệp này không ngừng quảng cáo quá mức về tính ưu việt của sản phẩm như giúp trẻ cao lớn hơn, thông minh hơn, gia tăng sức đề kháng... khiến không ít bà mẹ nghĩ rằng, để con mình thông minh và phát triển tốt thì phải cho con ăn sữa thay thế sữa mẹ".

"Vì thế, thay vì cho con bú sữa mẹ, họ lại lựa chọn cho con mình ăn các sản phẩm dinh dưỡng được chế xuất công nghiệp và kết quả là, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ cũng như làm giảm sức đề kháng, gia tăng bệnh tật ở trẻ", Bộ Y tế đánh giá.

Bộ Y tế còn nhấn mạnh: "Chúng ta không nên nhầm tưởng sữa thay thế sữa mẹ là tốt hơn sữa mẹ. Bởi bản chất của sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng với các hoá chất khác".

Bộ này cho rằng: "Quảng cáo không đưa lại thông tin chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng. Tiếp cận thông tin qua quảng cáo là cách tiêp cận một chiều và quảng cáo không phải là kênh/nguồn thông tin chính thống, không đảm bảo sản phẩm là chất lượng và an toàn".

Phương Dung