Quảng Trị:

Trắng tay vì giống ngô lạ!

(Dân trí) - Mặc dù đã đến mùa thu hoạch nhưng nhiều hộ nông dân tại các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong (Quảng Trị) đành phải “ngậm đắng” vứt bỏ ngô khô khốc giữa cánh đồng hoặc đem về làm thức ăn cho gia súc vì không có người thu mua. Ước tính thiệt hại gần 30 triệu đồng/ha.

Bức xúc vì doanh nghiệp bội ước 

Cách đây vài tháng, nhiều hộ nông dân đã rất kỳ vọng về một giống ngô mới có thể giúp người dân nơi đây tăng thêm nguồn thu nhập so với việc trồng các loại cây khác. Nhưng hiện nay, người dân đang điêu đứng, “dở khóc dở cười” vì ngô đã đến kỳ thu hoạch nhưng không biết bán cho ai, đành phải vứt ngoài đồng, hoặc chỉ biết làm thức ăn cho gia súc.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Sự việc nảy sinh khi một số Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và bà con nông dân ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành (trụ sở tại phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Theo đó, Công ty này đã cung ứng cho bà con nông dân một giống ngô lạ, chưa từng được trồng thử nghiệm trên địa bàn. Loại giống do phía Công ty Tín Đạt Thành cung cấp cho người dân là giống ngô Sugar 75.

Trong hợp đồng kinh tế ghi rõ, bên A (Công ty) tạm ứng cho bên B (nông dân) gồm: giống ngô Sugar 75 (750.000 đồng/kg), phân bón, thuốc trừ sâu được quy ra tiền mặt 8 triệu đồng/ha. Sản phẩm sẽ được công ty bao tiêu toàn bộ.

Hàng chục hộ dân trồng ngô tại Quảng Trị điêu đứng vì sản phẩm trồng ra không có người thu mua
Hàng chục hộ dân trồng ngô tại Quảng Trị điêu đứng vì sản phẩm trồng ra không có người thu mua

Cũng vì quá nóng vội thử nghiệm giống ngô mới không rõ nguồn gốc, bên cạnh đó, do tin tưởng vào những lời hứa bao tiêu toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp nên một số HTX nông nghiệp tại Quảng Trị đã thuyết phục người dân triển khai trồng thử nghiệm. Các nhóm hộ nông dân cũng đã ký hợp đồng với Công ty này, dù chưa biết hiệu quả ra sao.

Hàng chục hộ dân trồng ngô tại Quảng Trị điêu đứng vì sản phẩm trồng ra không có người thu mua
Theo nhiều hộ nông dân, giống ngô ngọt này thành phần hạt ngô chủ yếu là đường và nước, không có tinh bột nên việc không thu hoạch đúng thời điểm khiến lượng nước trong hạt bốc hơi, hạt nhăn nheo

Qua quá trình tìm hiểu chúng tôi được biết, những hộ nông dân của các HTX như: HTX Thượng Phước, nhiều nông dân ở HTX Thủy Khê, xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh) và HTX An Mỹ, xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ)…đã ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành để trồng thử nghiệm giống ngô lạ nói trên với tổng diện tích gần 20 ha. Riêng tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, người dân đã trồng trên diện tích 3 ha. Nhiều hộ nông dân của HTX An Mỹ, xã Cam Tuyền cũng trồng gần 10 ha.

Sau 3 tháng trời dày công chăm sóc, dù đã đến giai đoạn thu hoạch nhưng người dân đành chịu cảnh mất trắng vì phía doanh nghiệp cho rằng ngô không đạt tiêu chuẩn chất lượng, bị sâu, quả nhỏ,...không thể xuất khẩu nên không thu mua và bỏ mặc cho người nông dân tự xử lý. Chính vì vậy, hàng chục hộ nông dân tại các địa phương đành ngậm đắng, nuốt cay cam chịu. Ước tính thiệt hại mỗi ha ngô gần 30 triệu đồng. 

Hàng chục hộ dân trồng ngô tại Quảng Trị điêu đứng vì sản phẩm trồng ra không có người thu mua
Bức xúc vì doanh nghiệp bội ước, nhiều hộ nông dân đành ngậm đắng vứt bỏ ngô giữa đồng hoặc làm thức ăn cho gia súc

Điều đáng nói, giống ngô không rõ nguồn gốc này được doanh nghiệp tự ý nhập khẩu và ký kết trực tiếp với nông dân mà không hề thông qua bất cứ cơ quan chức năng nào khảo nghiệm về chất lượng.

Trong quá trình kiểm tra thực tế tại các địa phương, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho rằng: Sở Nông nghiệp hoàn toàn không biết về việc nông dân trồng giống ngô này. Sở cũng chưa có chủ trương khuyến cáo người dân sản xuất giống ngô nói trên.

Bỏ công trồng ngô rồi…đổ đống

Có mặt tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, chúng tôi nhận thấy rất nhiều diện tích trồng ngô của người dân vẫn chưa được thu hoạch, bị khô héo giữa đồng. Bên cạnh đó, trên một số tuyến đường, sân nhà người dân cũng chất từng đóng bắp ngô vì không thể bán được cho ai.

Hàng tấn bắp ngô được người dân chất từng đống bên đường
Hàng tấn bắp ngô được người dân chất từng đống bên đường

Ông Đào Tâm Uyên, người dân thôn An Mỹ, bức xúc nói: “Trước khi triển khai trồng, phía doanh nghiệp có cam kết với HTX rằng sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con. Nghe họ nói vậy nên bà con ai cũng hưởng ứng trồng, với hy vọng hiệu quả của giống mới này mang lại sẽ cao hơn so với giống ngô cũ và cây lạc. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch thì họ bảo ngô bị sâu, lại kém chất lượng nên không mua được. Từ đó đến nay họ cũng không nói năng gì nữa. Gia đình tui trồng hơn một sào ngô Sugar 75 nhưng bây giờ đành phải vứt bỏ để chuẩn bị đất trồng vụ mới. Mất công trồng và chăm bón bấy lâu nhưng bây giờ mất trắng hết”.

Hàng tấn bắp ngô được người dân chất từng đống bên đường
Gia đình ông Uyên trồng hơn một sào ngô Sugar 75 nhưng bây giờ đành phải vứt bỏ để chuẩn bị đất trồng vụ mới

Còn ông Hồ Thủy ngậm ngùi: Đây là vụ đầu tiên chúng tôi trồng thử nghiệm loại ngô ngọt này. Lúc triển khai trồng, bà con được hỗ trợ giống, phân bón và được tập huấn kỹ thuật. Dự kiến khi thu hoạch ngô, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư ban đầu, còn lại người dân sẽ được hưởng. Nhưng bây giờ không đạt hiệu quả như mong muốn, người dân đành phải chặt bỏ, thu gom một số bắp đưa về phơi khô cho gia súc ăn, còn lại chưa biết làm cách gì. 

Đưa ra nhiều lí do như: 
Đưa ra nhiều lí do như: ngô không đạt tiêu chuẩn chất lượng, bị sâu, quả nhỏ,..doanh nghiệp đã bỏ mặc người dân 

Ông Trần Đình Bình, nông dân xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, cho biết, nhóm hộ của ông đã ký kết hợp đồng với công ty Cổ phần Tín Đạt Thành để trồng 3 ha ngô Sugar 75. Mỗi 1 ha ngô giống mới này được doanh nghiệp cho ứng trước khoảng 8 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 3 tháng trồng và chăm sóc, mỗi ha ngô có thể cho thu nhập 25 triệu đồng, thì bây giờ chịu cảnh mất trắng gần 80 triệu, chưa kể công sức và tiền của bỏ ra suốt hơn 3 tháng. Ông Bình cho hay: “Ban đầu họ nói bắp trái không đạt, khi thành qủa bắp rồi thì họ nói qủa sâu, ngô không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, họ không thu hoạch. Trong khi kinh phí đầu tư chăm sóc họ cũng không thanh toán”.

Cũng là một trong những hộ tham gia trồng giống ngô lạ như ông Bình, ông Bùi Đình Nghiệm, nói: Tôi là nông dân cho nên cũng không am hiểu về thị trường cho lắm. Khi phía công ty đặt vấn đề thì chúng tôi chấp nhận làm. Ấy vậy, nguồn gốc và xuất xứ của Công ty và cả giống lạ này chúng tôi không rõ. Khi thu hoạch thì công ty không chịu thu mua sản phẩm cho bà con. Hiện nay, với chừng ấy diện tích, tôi cũng chưa biết phải làm gì với số ngô này.

Đăng Đức
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”