1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tràn ngập bánh trung thu “phơi” vỉa hè

Hàng loạt ki ốt bán bánh trung thu đua nhau bám vỉa hè Hà Nội. Ngoài việc lấn chiếm vỉa hè, cản trở giao thông, vấn đề bảo quản an toàn thực phẩm tại các ki ốt bánh Trung thu vỉa hè này dường như đang bị thả nổi.

Các gian hàng được trưng bày trên phố Bà Triệu, Hà Nội (Ảnh chụp chiều 26/8). Ảnh: Ngọc Châu.
Các gian hàng được trưng bày trên phố Bà Triệu, Hà Nội (Ảnh chụp chiều 26/8). Ảnh: Ngọc Châu.

 

Bủa vây vỉa hè

 

Theo ghi nhận của PV, dù còn gần một tháng nữa mới đến rằm Trung thu nhưng những ngày qua trên nhiều tuyến phố của Hà Nội từ ngoại thành đến nội đô đâu đâu cũng “mọc” lên những ki ốt, những quầy bày bán bánh Trung thu.

 

Tại nhiều tuyến phố, nhiều ngã ba, ngã tư như khu vực ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Tôn Thất Tùng đến cầu Trung Tự (quận Đống Đa) đoạn vỉa hè dài chừng vài trăm mét nhưng có tới hàng chục ki ốt bán bánh trung thu được dựng lên. Các tuyến phố như Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân); Xuân Thủy (quận Cầu Giấy); Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng)..., những ngày này vỉa hè trở thành nơi trưng bày các sản phẩm bánh trung thu của các thương hiệu từ cao cấp đến bình dân.

 

Với diện tích mỗi quầy hàng khoảng chục m2, đến cả trăm m2 được dựng bằng khung sắt, quây áp-phích, băng rôn quảng cáo, các ki ốt bày bán bánh trung thu đua nhau lấn chiếm vỉa hè. “Vỉa hè vốn hẹp đường phố hay tắc nghẽn, nay xuất hiện thêm nhiều quầy bán bánh Trung thu nên càng khiến đường phố trở nên chật chội hơn”, chị Lê Thu Hương ở quận Đống Đa nói.

 

Chị Hương cho rằng, bánh Trung thu thường là các loại bánh mềm, dẻo, ruột có nhân có hạn sử dụng ngắn ngày nên cần được bảo quản bằng các thiết bị chuyên dụng, vừa đảm bảo chất lượng bánh cũng như vệ sinh.

 

“Có những cơ sở quảng cáo có thể giữ bánh nướng hay bánh dẻo được hai tháng, nhưng điều này rất khó thực hiện. Bởi với khí hậu ẩm thấp, trời nóng như hiện nay, bánh có chứa nhân thịt, trứng rất dễ ôi thiu”, chị Hương cho biết.

 

Theo quan sát của chúng tôi, tại mỗi ki ốt bánh Trung thu được để trong dãy tủ kính hoặc các tủ gỗ chia thành nhiều bậc. Túi đựng bánh được làm theo các mẫu của nhà sản xuất; bánh được đặt thêm một lần hộp giấy, mẫu mã đẹp và bắt mắt. Tủ bánh này được đặt ở vị trí “mặt tiền”, giáp với đường phố. Mặt bên trong của quầy hàng là nơi “tập kết” bánh dự trữ.

 

“Những quầy bán bánh này hoạt động theo mùa vụ nên không có điểm bán nào được trang bị máy móc bảo quản bánh” - chị Nguyễn Thu Hằng, nhân viên bán hàng tại một ki ốt trên đường Kim Liên-Xã Đàn cho biết.

 

Thả nổi?

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Ngành y tế chỉ đưa ra các tiêu chuẩn, còn giấy phép đủ điều kiện sản xuất kinh doanh do ngành thương mại cấp. Việc kiểm tra xử lý hiện chỉ thực hiện qua việc lấy mẫu đi kiểm nghiệm còn xử lý các trường hợp bánh bày bán vỉa hè có đảm bảo ATVSTP hay không cũng đang còn nhiều bất cập”.

 

Đại diện Sở y tế cũng cho rằng, do sản xuất bánh theo thời vụ nên đến gần tết Trung thu xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh thủ công, nhỏ lẻ. Nếu không tuân thủ các quy định ATVSTP như nguyên liệu, nguồn nước, trang thiết bị..., sẽ dẫn tới việc mất vệ sinh.

 

Chẳng hạn, nhân viên do sản xuất theo thời vụ nên việc tuyển chọn không tuân thủ quy định về sức khỏe người chế biến thực phẩm, trong quá trình sản xuất, khâu nhào bột, nặn nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh.

 

Bên cạnh đó, không tránh khỏi tình trạng sản xuất bánh Trung thu giả về nhãn mác, chất lượng, nguồn gốc...; sản xuất bánh chỉ ghi hạn dùng đến ngày nào đó mà chưa ghi ngày sản xuất nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

 

“Nguyên liệu làm bánh từ bột, trứng, thịt, xúc xích, lạp xưởng... là những thứ dễ bị ôi thiu khiến người sử dụng dễ bị đau bụng tiêu chảy. Nếu việc bảo quản bánh không kỹ lưỡng thì dễ bị gây nguy hiểm cho người sử dụng”, một vị cán bộ ngành y tế cho biết.

 

Liên quan đến việc cấp phép, ông Nguyễn Nguyên Huy - Trưởng phòng Giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, trong 88 tuyến phố chính do sở quản lý, hiện đã cấp giấy phép sử dụng vỉa hè tạm thời cho một số doanh nghiệp để bày bán bánh trung thu.

 

“Mỗi đơn vị này được chúng tôi cấp phép 6 đến 8 địa điểm, còn các tuyến phố không thuộc Sở GTVT Hà Nội quản lý thì thuộc thẩm quyền các quận, huyện cấp”, ông Huy nói.

 

Theo ông Huy, các vị trí được chấp thuận vỉa hè phải rộng, không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đô thị. Còn các đơn vị được cấp thì phải có giấy phép kinh doanh, thương hiệu bánh kẹo phục vụ tết Trung thu của chính hãng sản xuất được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Có xác nhận, đồng thuận đề xuất của chính địa phương.

 

Theo Tú Anh

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm