Trần lãi suất tiền gửi tại ngân hàng tăng lên 5%/năm từ 23/9
(Dân trí) - Trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng tại các ngân hàng tăng lên 5%/năm, còn tại quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tín dụng vi mô là 5,5%/năm. Một loạt lãi suất điều hành khác cũng tăng.
Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo sẽ tăng một loạt lãi suất điều hành. Thời gian áp dụng lãi suất mới là từ ngày mai (23/9).
Theo đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các tổ chức tín dụng là 5%/năm, thay vì 4%/năm như mức cũ.
Riêng với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô, mức áp dụng cho kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm, thay vì 4,5%/năm như mức đang áp dụng.
Nếu gửi tiền không kỳ hạn hay kỳ hạn dưới 1 tháng, người gửi nhận lãi suất 0,5%/năm thay vì 0,2%/năm như trước đây.
Cũ | Mới | |
Trần lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng | 4%/năm | 5%/năm |
Trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn/dưới 1 tháng | 0,2%/năm | 0,5%/năm |
Lãi suất tái cấp vốn | 4%/năm | 5%/năm |
Lãi suất tái chiết khấu | 2,5%/năm | 3,5%/năm |
Một loạt lãi suất điều hành khác cũng được điều chỉnh. Cụ thể, từ 23/9, lãi suất tái chiết khấu được áp dụng là 3,5%/năm, tăng 1 điểm phần trăm; lãi suất tái cấp vốn 5%/năm, tăng 1 điểm phần trăm.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 6%/năm.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã tăng một loạt lãi suất điều hành sau thời gian giữ ổn định kể từ tháng 10/2020 đến nay.
Gần đây, trên thị trường liên ngân hàng, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất dao động trong khoảng 4,6-5,7%/năm cho thời hạn vay qua đêm đến 3 tháng. Mức lãi bình quân liên quân hàng kỳ hạn 9 tháng là 6,3% một năm và cao nhất là 7,09% với kỳ hạn 6 tháng.
Trong cuộc họp về kinh tế vĩ mô - diễn ra ngay sau khi Fed quyết định tăng 0,75% lãi suất cơ bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Thủ tướng nhắc lại tinh thần không hoang mang, dao động, chủ động nắm bắt tình hình, sáng tạo trong điều hành. Do đó, chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi vay.
Các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho một số đối tượng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.
Thống đốc cho rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.