Trầm Bê, Đặng Văn Thành, Lê Hùng Dũng: Sau thời "đại chiến"
Sau thời "đại chiến" đó, họ ngày càng ít xuất hiện, mỗi người dường như đã đi trên quãng đường mới với những kế hoạch đầy tham vọng mới.
Hơn hai năm trước, trong ván cờ mua bán sáp nhập Southern Bank, Sacombank với sự tham gia của Eximbank, ba đại gia Trầm Bê, Đặng Văn Thành, Lê Hùng Dũng trở nên đình đám hơn bao giờ hết. Ba doanh nhân lớn, đại diện cho 3 thế lực đã tạo ra một vụ mua bán – sáp nhập kéo dài hơn 2 năm mới có hồi kết.
Sau thời "đại chiến" đó, họ ngày càng ít xuất hiện, mỗi người dường như đã đi trên quãng đường mới với những kế hoạch đầy tham vọng mới.
Sự lặng lẽ của các nhân vật đình đám
Bắt đầu từ 01/10/2015, Southern Bank chính thức bị xóa khi sáp nhập với Sacombank.
Đây là một sự kiện bước ngoặt của Southern Ban, nhất là đối với ông Trầm Bê, cổ đông lớn nhất tại Phương Nam và cũng là cổ đông lớn tại Sacombank.
Tuy nhiên, nhiều NĐT đang đặt câu hỏi về tình hình kinh doanh của SouthernBank trước khi sáp nhập thực sự như thế nào, có xấu hơn những gì đã công bố trước đó hay không sau khi NHNN hôm 12/8 công bố thông tin sốc: ông Trầm Bê không tham gia dưới mọi hình thức, từ vai trò cổ đông cho tới vào NH sau sáp nhập. Cũng từ thời điểm này, ông Trầm Bê không còn xuất hiện nói về cuộc "hôn nhân" này.
Sự kiện “về chung một nhà” của SouthernBank và Sacombank là cái đích mà ông Trầm Bê và nhóm cổ đông mà ông đại diện nỗ lực trong hơn 3 năm trước. Dù đã toại nguyện nhưng có lẽ chính ông Trầm Bê cũng khó ngờ tới kết quả cuối cùng khi chính ông ủy quyền cho NHNN thực hiện các quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần của ông và các bên liên quan ở SouthernBank, Sacombank và NH sau sáp nhập. Ông Trầm Bê sẽ không tham gia điều hành, quản trị NH sau sáp nhập.
Thậm chí, trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của NH sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê.
Điều này có nghĩa, dù đã chuyển giao hết quyền nhưng ông Bê vẫn không thể thoát trách nhiệm, vì vẫn phải bỏ tiền để xử lý nợ xấu nếu có. Bàn giao hết cổ phiếu, không nắm chực vụ nhưng gánh nặng với di sản SouthernBank vẫn không thể thoát.
Ông chủ cũ và là người sáng lập và phát triển Sacombank trong 20 năm trước đó - Đặng Văn Thành - cũng đã có khoảng thời gian dài lùi sâu, kín tiếng sau biến cố bị nhóm cổ đông mà đại diện là Eximbank và liên quan tới ông Trầm Bê thâu tóm hồi 2012.
Bây giờ ông Thành dường như thanh thản hơn khi toàn vẹn cùng vợ cọn tập trung phát triển Thành Thành Công với trụ cột là mía đường, gần đây ông còn mở rộng qua chăn nuôi, du lịch cũng như âm thầm trụ lại với BĐS.
Nhiều diễn biến ngầm tại Eximbank với những giao dịch đổi chủ ngàn tỷ gần đây cũng đi liền với sự lặng lẽ của ông Lê Hùng Dũng. Sau khi tuyên bố không ứng cử nhiệm kỳ mới tại ĐHCĐ Eximbank hồi tháng 7, giới đầu tư không còn thấy ông xuất hiện nhiều trong lĩnh vực này.
Nghỉ ngân hàng, chuyên tâm làm bóng đá nhưng dường như ông Dũng chưa khi nào được yên trên chiếc ghế Chủ tịch VFF khi mà nền bóng đã nước nhà vẫn còn quá nhiều phức tạp.
Thậm chí, gần đây, ông đã bị đồn thổi trở thành một tin thất thiệt: Chủ tịch Lê Hùng Dũng bị bắt và Eximbank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Tất nhiên, tất cả đều là tin đồn và không có cơ sở. Tuy nhiên, nó cũng đã khiến cho TTCK được một phen chao đảo.
DN sóng gió, lãnh đạo giờ ở đâu?
Ngay sau sự cố, ông Lê Hùng Dũng đã xuất hiện kịp thời để phủ nhận tin đồn ác ý. Tuy nhiên, những thông tin về vị chủ tịch này cũng như hoạt động của Eximbank vẫn khá kín đáo cho tới kỳ công bố. Giới đầu tư vẫn phải chờ tới ĐHCĐ bất thường vốn đã được rời vài lần và giờ theo kế hoạch là trong tháng 10.
Tất cả trong trạng thái chờ, chờ xem ai sẽ được bầu là chủ tịch mới. Trong khi đó, ông Lê Hùng Dũng dường như bận rộn hơn với bóng đá: với các hợp đồng tài trợ để giữ lời hứa khi mới nhậm chức chủ tịch VFF mỗi mùa mang về 300 tỷ đồng cho bóng đá Việt Nam; bận rộn với quyết định đối với HLV Miura; với cáo buộc về tham nhũng trong bóng đá; mối quan hệ với HAGL cũng như bầu Đức…
Cũng như trường hợp Eximbank, tại NH sau sáp nhập giữa Sacombank và SouthernBank, nhiều câu hỏi đang được đặt ra và chưa có câu trả lời. Bên lề, một câu hỏi cũng được nhiều người quan tâm là: ông Trầm Bê ở đâu và làm gì sau quyết định tự nguyện từ bỏ mọi quyền lợi, cam kết không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do Ngân hàng Nhà nước chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông; cam kết bổ sung thêm tài sản thuộc sở hữu riêng nếu chưa đủ.
Những giao dịch bất thường đối với cổ phiếu BCI của CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh kể từ đầu tháng 6 cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về chuyện gì đang xảy ra đối với một trong các DN của ông Trầm Bê?
2015 là năm cuối trong giai đoạn 2011-2015 trong đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Rất nhiều biện pháp quyết liệt và mạnh tay đã được NHNN thực hiện.
Sau gần 4 năm, hàng loạt các cuộc sáp nhập, hợp nhất đã diễn ra. Tổng cộng có cả chục thương hiệu NH đã biết mất, gồm: Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Habubank, WesternBank, Đại Á, Đại Tín, Phương Nam, MHB, MDBank, PGBank.
Hàng loạt NH nhỏ đã được hợp nhất với nhau hoặc với các NH lớn hơn để tạo ra các NH có quy mô và sức cạnh tranh cao hơn. Ba NH cũng đã bị mua lại với giá 0 đồng. Một trật tự mới trong hệ thống đã được hình thành.
Và tất nhiên, đi cùng với quá trình này, không ít lãnh đạo NH cũng đã “biến mất”. Nhiều lãnh đạo làm ăn yếu kém phải từ chức, bị phế truất. Một số thậm chí còn dính vào vòng lao lý. Và cũng có nhiều cái tên đình đám, từng là cây đa cây đề trong ngành cũng lần lượt “ra đi” trong sự bất ngờ và đích đến của họ vẫn còn là câu hỏi với nhiều người.
Theo H.Tú
VEF