Trái đắng phi điệp đột biến: Công an nhiều tỉnh vào cuộc

Công an tỉnh Phú Thọ, Lâm Đồng, Tuyên Quang đã quán triệt, theo dõi những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ, xử nghiêm nếu thấy sai phạm.

Kiên quyết theo dõi, xử lý nghiêm

Ngày 5/8, trao đổi với Đất Việt trước tình hình nhiều cuộc giao dịch lan đột biến giá cao bất thường diễn ra trong thời gian qua, Đại tá Lưu Đức Tỉnh - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, trong cuộc họp giao ban đầu tuần vừa qua, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quán triệt, giao trực tiếp cho Trưởng công an TP. Việt Trì và các huyện trên địa bàn theo dõi, nắm tình hình về những cuộc giao dịch lan Phi điệp đột biến trên địa bàn.

Đối với những cuộc giao dịch lan đột biến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, lực lượng công an các huyện phải theo dõi, nếu thấy có biểu hiện đáng ngờ, mầm mống xuất hiện nguy cơ của tội phạm thì cần thực hiện công tác tuyên truyền, điều tra, xử lý nếu vi phạm pháp luật.

"Nếu xuất hiện dấu hiệu tội phạm từ những cuộc giao dịch lan đột biến thì cần xử lý nghiêm, triệt để" - Đại tá Lưu Đức Tỉnh khẳng định.

Còn Đại tá Lê Hồng Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh phong trào trồng hoa có truyền thống từ nhiều năm qua, trong đó cũng xuất hiện những nhà vườn trồng lan với quy mô rộng. Tuy nhiên, ở Lâm Đồng chưa thấy có tình trạng giao dịch lan đột biến với giá cao bất thường.

Trái đắng phi điệp đột biến: Công an nhiều tỉnh vào cuộc - 1

Cơ quan công an sẽ theo dõi, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm trong những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ.

"Các nghệ nhân lâu năm, nhiều kinh nghiệm ở Lâm Đồng chủ yếu trồng, chơi địa lan và lan rừng. Còn lan đột biến không phát triển.

Người dân Lâm Đồng bằng kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực hoa, cây cảnh, không ai chơi theo phong trào, chạy theo cơn sốt lan đột biến đang có trên thị trường. Các nghệ nhân chơi lan ở Lâm Đồng đã quá hiểu, quá rành về vấn đề này.

Chỉ những người mới chơi, chưa hiểu về phong lan thì mới dễ sa vào những cuộc giao dịch đó" - Đại tá Lê Đông Phong cho biết.

Tuy nhiên, trước cơn sốt của lan đột biến trên địa bàn, những cuộc giao dịch về loại lan này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mầm mống của tội phạm phát triển, trong thời gian tới Công an tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ có phương án tuyên truyền, cảnh báo cho người dân nhằm tránh phải những nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.

"Nếu trên địa bàn có những vụ việc cụ thể liên quan đến lan đột biến giá tiền tỷ thì lực lượng chắc chắn sẽ nắm bắt, xử lý nghiêm nếu thấy có sai phạm" - Đại tá Lê Đông Phong khẳng định.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2020, Công an tỉnh Tuyên Quang cũng đã có văn bản cảnh báo người dân về những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ trên địa bàn.

Đại tá Hà Phúc Thịnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho hay: "Mọi người cứ quảng cáo lan đột biến, chỉ có một mẩu rồi trao đổi tiền tỷ mà không có giấy tờ mua bán gì? Họ chỉ thỏa thuận với nhau bằng mồm nên có thể dẫn tới nhiều nguy cơ khác nhau. Với trách nhiệm là đơn vị quản lý trật tự an ninh, an ninh kinh tế, ngăn chặn tội phạm... chúng tôi phải có văn bản cảnh báo tới người dân".

Theo Đại tá Thịnh, việc giao dịch lan đột biến có giá trị lên tới hàng tỷ đồng trong thời gian qua cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất nguy hiểm.

"Nhiều người có tiền đâu nhưng được nghe quảng cáo, vì một lý do nào đó mà tìm mọi cách để có tiền mua lan đột biến. Có người cắm nhà, bán đất, có người vay tín dụng đen để mua lan đột biến..." - Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho hay.

Đại tá Hà Phúc Thịnh cho rằng, từ những cuộc giao dịch lan đột biến sẽ có thể là mầm mống cho các loại tội phạm sinh sôi và phát triển, tạo thuận lợi cho tín dụng đen hoạt động...

"Công an tỉnh Tuyên Quang sẽ nghiên cứu, tham mưu vấn đề này với Bộ Công an để có cảnh báo cho người dân trên cả nước chứ không riêng gì tỉnh Tuyên Quang. Về vấn đề này, chắc sắp tới Bộ Công an cũng sẽ có cảnh báo và phương án xử lý để có ngăn chặn những hệ lụy có thể xảy ra với các cuộc giao dịch lan đột biến giá tiền tỷ như thế" - Đại tá Hà Phúc Thịnh nói.

Cần xác minh, điều tra thông tin nhóm thổi giá lan

Nguồn tin của Đất Việt cho biết, thị trường lan đột biến hiện nay đang có sự thổi giá, thực hiện những cuộc giao dịch lan tiền tỷ trong thời gian qua là một nhóm người đứng sau, họ cố tình sử dụng các chiêu trò để đẩy giá lan lên cao rồi bung hàng ra thị trường bán kiếm lời.

"Thành viên của nhóm thổi giá lan còn có cả những người được phong làm nghệ nhân trong giới chơi cây cảnh ở Hà Nội. Họ đầu tư vào lan Phi điệp đột biến, tìm cách đẩy giá trị loại cây này lên cao thông qua các chiêu trò khác nhau để thu hút sự quan tâm của dư luận" - nguồn tin của Đất Việt cho biết.

Theo nguồn tin này, chiêu trò thổi giá lan đột biến trong thời gian qua diễn ra rất tinh vi. Không chỉ có những cuộc giao dịch tiền tỷ "ảo" như thật mà còn có cả quá trình "tạo phốt" trên mạng xã hội.

"Nhóm thổi giá thậm chí còn có chiêu trò, đăng lên một cây lan đột biến và quảng cáo rằng đó là cây có mặt hoa quý hiếm với tên gọi cụ thể nào đó và đưa ra mức giá vài tỷ đồng/kie.

Tuy nhiên, hình ảnh của cây đó lại là một cây lan khác, mặt hoa khác. Để cho các thành viên cùng vào bình luận, bàn tán nói rằng đó không phải là lan đột biến, nếu đúng như loại lan đột biến theo quảng cáo thì giá phải cao hơn rất nhiều so với mức giá mà người bán đưa ra.

Từ đó, họ tạo ra tâm lý "sốt ảo" trên thị trường. Sau khi kiếm được rất nhiều tiền, họ cũng bỏ ra tiền tỷ để thực hiện chiêu thổi giá núp bóng dưới danh nghĩa hoạt động xã hội nhằm gây dựng hình ảnh. Chính vì thế, người chơi cần tỉnh táo, tránh bị kích động tâm lý từ những chiêu trò này" - nguồn tin cho biết.

Trao đổi với Đất Việt về những thông tin này, luật sư Nguyễn Văn Long - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trước những thông tin về việc thổi giá trong lĩnh vực lan đột biến, cơ quan chức năng cần theo dõi, nắm bắt và tiến hành điều tra, xử lý nếu phát hiện có sai phạm.

"Do lan đột biến chưa được xác định là mặt hàng thiết yếu, được quy định về giá cả nên việc xử lý hiện tượng thổi giá sẽ gặp nhiều khó khăn về căn cứ, quy định pháp luật để xử lý. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần nắm được tình hình để ngăn chặn và có cảnh báo gửi tới người chơi lan.

Những mặt hàng lan đột biến nhưng được nhân giống bằng nuôi cấy mô, nhập từ bên Trung Quốc nhưng lại quảng cáo là lan đột biến tự nhiên, bán với giá cao bất thường thì cần phải ngăn chặn, kiểm tra việc nguồn gốc xuất xứ, từ những sự vụ lừa đảo cụ thể để xử lý điểm nhằm ngăn chặn tình trạng này" - luật sư Long kiến nghị.

Theo ông Long, để quản lý thị trường lan đột biến, tránh những hệ lụy có thể xảy ra như cảnh báo của cơ quan công an thì trong tương lai, cần có những quy định cụ thể để giám sát việc giao dịch, buôn bán lan đột biến trên thị trường.

Đột biến gì mà trăm loại, chưa bán được một cây nào ra quốc tế làm lợi cho đất nước

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, một trong những chuyên gia hàng đầu về hoa, cây cảnh Việt Nam nhắc lại bài học từ phong trào chơi, kinh doanh cây cảnh cổ thụ (sanh, lộc vừng, tường vi…) ở nhiều địa phương, chỉ năm trước đây.

Điển hình như huyện Văn Giang (Hưng Yên), khi thấy cây cảnh mỗi ngày lên một giá, đã đua nhau đi săn lùng cây cảnh, nhộn nhịp tới mức, nhà nhà mua cây cảnh, người người buôn cây cảnh, họ cũng đã xuất được vài lô cây cảnh qua biên giới Lạng Sơn.

Nhưng sau sang bên kia biên giới, chỉ những cây cảnh cực hiếm, đẹp không tì vết, họ mới để làm báu vật, còn lại đều xuất ngược trở về trong nước qua cửa khẩu Móng Cái.

Kết quả, sau khoảng 2 năm mua bán vòng vo, phía đối tác dừng tạm nhập tái xuất, nhiều gia đình đã rơi vào cảnh điêu đứng, vì không bán được cây để trả gốc và lãi vay ngân hàng. Do vậy, một số lượng “khủng” cây cảnh đã mua, phải chờ bán đến chết khô rồi chặt bỏ, làm cho không ít hộ khuynh gia bại sản.

Chỉ có ít kẻ chủ động cấu kết trong các chiêu trò trên là phất lên trông thấy. Đến nay, Văn Giang và một số địa phương khác, vẫn chưa thể phục hồi được thị trường các loại cây cảnh này.

Theo đó, người mua lan đột biến hãy thật thông thái, để không bị mất tiền “oan” bởi sự thao túng hoặc thỏa thuận ngầm nào đó lên thị trường hoa lan nhằm kiếm lời bất chính.

“Đến thời điểm hiện tại, chưa thấy có dòng lan đột biến nào xuất bán thành công ra thị trường quốc tế”, PGS.TS Đặng Văn Đông đau xót nhận xét.