Trà sữa Phúc Long kinh doanh ra sao?
(Dân trí) - Chuỗi trà sữa Phúc Long do Masan sở hữu 85% vốn ghi nhận biên lợi nhuận gộp trên 65% vào năm 2023. Chuỗi này tiếp tục duy trì biên lợi nhuận gộp cao trong quý đầu năm nay, nhưng doanh thu thì giảm.
20% vốn Công ty cổ phần Phúc Long Heritage được Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) mua lại từ năm 2021. Công ty này sở hữu chuỗi trà sữa, cà phê nổi tiếng Phúc Long, có hệ thống cửa hàng ở nhiều nơi như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ...
Năm 2022, Masan rót thêm vốn mua 65% vốn Phúc Long, từ đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 85% vốn và nắm giữ đến nay.
"Gà đẻ trứng vàng"
Năm 2022, Masan ghi nhận Phúc Long hiện đứng thứ 2 về doanh thu và số 1 về biên lợi nhuận xét về mô hình flagship (hình thức bán hàng mang lại giá trị trong nâng tầm thương hiệu). Các cửa hàng flagship của Phúc Long đã đạt mức EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) của cửa hàng và của công ty lần lượt là 31% và 25%.
Trong năm 2022, doanh thu công ty đạt 1.579 tỷ đồng và EBITDA đạt 195 tỷ đồng.
Masan cũng từng thử nghiệm mô hình kiosk với Phúc Long, tức đặt các điểm bán hàng tại chuỗi siêu thị của Vinmart+. Tuy nhiên, kết quả không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu, do đó Masan đã quyết định đóng cửa 150 kiosk trong 6 tháng cuối năm 2022.
Năm 2022, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm 35% tổng doanh thu của hệ thống này. Doanh thu từ trà chiếm hơn 70% tổng doanh thu. Mặc dù chỉ chiếm 7% tổng số chuỗi cửa hàng trà và cà phê nhưng Phúc Long đóng góp 11% doanh thu và đứng thứ 2 thị trường xét về quy mô doanh thu.
Doanh thu thuần quý I giảm gần 6%
Theo báo cáo của Masan, trong năm 2023, Phúc Long ghi nhận doanh thu 1.535 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ do chịu tác động bởi môi trường vĩ mô đầy thách thức ảnh hưởng đến tiêu dùng ngoài nhà. Tuy nhiên, Phúc Long vẫn đạt được 255 tỷ đồng EBITDA, tăng gần 31% so với cùng kỳ.
Phúc Long còn là mảng có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong các công ty thuộc hệ sinh thái Masan, với gần 65%, cao hơn mức 27,8% bình quân của cả tập đoàn. Cuối năm 2023, Phúc Long có 156 cửa hàng ngoài VinCommerce.
Năm nay, chuỗi dự kiến đạt 1.790 tỷ đồng đến 2.170 tỷ đồng doanh thu, tương ứng mức tăng 17% đến 41% so với năm trước, dự kiến mở từ 30 đến 60 cửa hàng mới.
Quý đầu năm nay, Phúc Long ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 6% so với cùng kỳ, xuống 387 tỷ đồng. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp chuỗi này vẫn đạt 63,8%, cao nhất trong các mảng kinh doanh của Masan. Trước tình hình tiêu dùng ngoài nhà còn yếu, ban lãnh đạo vẫn tiếp tục thận trọng và sẽ đặt trọng tâm vào việc gia tăng lợi nhuận.