1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TQ đóng cửa nhà máy vì dịch cúm gây thiếu hụt nguồn cung thuốc toàn cầu

(Dân trí) - Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn virus corona bằng cách đóng cửa các nhà máy và tạm ngưng các kế hoạch sản xuất đang đặt ra một bài toán hóc búa với ngành y trên toàn thế giới.

TQ đóng cửa nhà máy vì dịch cúm gây thiếu hụt nguồn cung thuốc toàn cầu - 1

Là quốc gia sản xuất các thành phần dược phẩm lớn nhất thế giới, bao gồm cả chuỗi cung ứng cho toàn bộ ngành công nghiệp này, sản lượng của các nhà máy tại Trung Quốc đã bị gián đoạn và có khả năng sẽ làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đã làm dấy lên lo ngại đối với những cơ quan quản lý y tế.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hôm thứ Năm tuần trước đã tuyên bố rằng một loại thuốc đã bị thiếu hụt nguồn cung do những ảnh hưởng từ virus Corona, nhưng cơ quan này lại từ chối cung cấp thông tin về nơi sản xuất loại thuốc nói trên.

“FDA đang giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng với viễn cảnh rằng sự bùng phát của dịch Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng đến việc phân phối sản phẩm y tế, bao gồm cả các sản phẩm y tế quan trọng ở Mỹ”, ủy viên của FDA, Stephen Hahn nói. Ông cũng bổ sung rằng cơ quan này đã xác định được 20 loại thuốc nguồn nguyên liệu lấy từ Trung Quốc.

Châu Âu cũng đang chuẩn bị cho những tác động tương tự. Cơ quan Dược phẩm của Liên minh Châu Âu cho biết họ đã phân tích và giám sát những vấn đề tiềm ẩn đối với chuỗi cung ứng dược phẩm vào EU, mặc dù họ chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về sự gián đoạn nguồn cung.

Thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp và tiểu đường, kháng HIV/Aids cũng như các loại thuốc thông thường như thuốc giảm đau và hạ sốt đều nằm trong danh mục sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc, hoặc ít nhất lấy nguyên liệu từ đó.

Theo số liệu mới nhất của Phòng Thương mại Trung Quốc về Xuất nhập khẩu Thuốc và Sản phẩm Y tế, những sản phẩm kể trên có giá trị xuất khẩu lên đến 30 tỷ USD vào năm 2018.

Năm ngoái, tỷ lệ nhập khẩu thuốc của Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc bao gồm 95% ibuprofen, 91% hydrocortisone, 70% paracetamol, 40 đến 45% penicillin và 40% heparin, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Theo Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota,việc theo dõi chính xác những con số trên cũng không hề dễ dàng, bởi vì những nhà máy sản xuất thuốc ở Trung Quốc thường chuyển hàng qua Ấn Độ để đóng gói trước khi phân phối ra toàn thế giới.

“Tuy nhiên, việc xác định nguồn cung nào bị phụ thuộc vào Trung Quốc là một nhiệm vụ tối quan trọng,” ông nói.

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các thành phần dược phẩm đã khiến các nhà lập pháp Mỹ khó chịu, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang trở nên hết sức gay gắt trong thời gian vừa qua. Chủ đề này đã thúc đẩy một phiên điều trần của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái, và đã được đưa vào báo cáo thường niên của ủy ban.

Những lo ngại lại tiếp tục dấy lên khi đại dịch Corona bùng phát

Vào thứ bảy tuần trước, Trung Quốc đã thông báo rằng sản lượng sản xuất của các nhà máy tại quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào tháng 11 năm 2008.

Các nhà máy của Trung Quốc đang phải vật lộn để khởi động lại dây chuyền sản xuất sau kỳ nghỉ tết kéo dài, với một số hạn chế trong việc đi lại và các biện pháp kiểm soát khác vẫn còn, khiến công nhân khó có thể quay trở lại làm việc và đảm bảo nguồn cung các vật tư cần thiết.

Hơn 90% các doanh nghiệp nhà nước đã tái khởi động dây chuyền lại sản xuất. Tuy nhiên, Zhang Kejian, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, cho biết chỉ 43% các công ty sản xuất vừa và nhỏ đã hoạt động bình thường trở lại.

Xiao Qing Boynton, phó chủ tịch của công ty chiến lược kinh doanh có trụ sở tại Washington, Albright Stonebridge Group, cố vấn cho các công ty nước ngoài về ngành chăm sóc sức khỏe Trung Quốc, cho biết: Số lượng dự trữ trong kho của các tổ chức y tế cũng như tại các trung tâm ý tế có thể đủ để cầm cự trong ngắn hạn, nhưng nếu việc đình trệ sản xuất kéo dài, nhiều khả năng các đối tác lớn của Trung Quốc sẽ phải tính đến chuyện dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Rõ ràng có những ảnh hưởng đến nguồn cung, nhưng không có lý do gì để tin rằng tình trạng này sẽ kéo dài đến hết tháng 3, ông Chen Chen, đối tác quản lý của công ty tư vấn LEK, bổ sung, Vũ Hán là một trung tâm sản xuất dược phẩm lớn, tuy nhiên các thành phố lớn khác ở Trung Quốc cũng hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của các đối tác.

Thảo Trang 

Theo SCMP