TPP sẽ mở rộng cho các nền kinh tế khác tham gia
(Dân trí) - Sáng nay (21/5), tại Hà Nội, bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại (MRT) - Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Bộ trưởng các nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhóm họp để thảo luận và ra tuyên bố chung.
Bộ trưởng và Thứ trưởng các nước thành viên TPP tham gia nhóm họp gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore và Việt Nam. Trong số 11 nước thành viên thì cuộc nhóm họp lần này thiếu Mexico.
Các Bộ trưởng khẳng định lại kết quả cân bằng và tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược của TPP. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của Hiệp định này là cách để thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, tạo thêm cơ hội cho người lao động, các hộ gia đình, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đồng ý cần phải hiện thực hóa những lợi ích của Hiệp định TPP, các Bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật nghiên cứu các kịch bản phù hợp để nhanh chóng đưa Hiệp định toàn diện và tiêu chuẩn cao vào thực thi, trong đó bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia của các nước ký kết ban đầu.
Các Bộ trưởng đã chỉ đạo các Trưởng đoàn xúc tiến việc chuẩn bị cho nhiệm vụ này và yêu cầu hoàn tất trước khi các nước TPP nhóm họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC sẽ được tổ chức vào ngày 10 - 11/11/2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Trong cuộc nhóm họp này, các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về khả năng mở rộng TPP cho các các nền kinh tế khác tham gia nếu họ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn cao của Hiệp định.
Những nỗ lực này sẽ giải quyết các mối quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ, duy trì mở cửa thị trường, củng cố hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc chung, thúc đẩy thương mại toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiệp định TPP được ký kết vào tháng 2/2016 với 12 nước thành viên, bao gồm: Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Mỹ, Úc, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada, Nhật Bản. Thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, trong đó Mỹ và Nhật Bản được coi là trụ cột chính.
Hiệp định TPP vốn được coi là một phần trong chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, tháng 1/2017, ngay trong tuần làm việc đầu tiên trên cương vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi TPP.
Hồi đầu tháng 5, trả lời về quan điểm của Việt Nam về tương lai của TPP không có Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt - bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam coi việc tham gia vào TPP và các Hiệp định tự do thương mại là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện. Việt Nam tham gia các Hiệp định nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập thế giới và liên kết khu vực.
Về tiến trình tới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới này, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước để đảm bảo thực thi hiệu quả các cam kết của Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ tham gia. Việt Nam sẽ cùng các nước trong TPP thảo luận và thống nhất những định hướng trong tương lai.
Châu Như Quỳnh