TPHCM tiếp tục xin thưởng hơn 10.000 tỷ đồng thu vượt ngân sách năm 2015
(Dân trí) - Chiều ngày 7/6, làm việc với Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, UBND TPHCM tiếp tục kiến nghị về việc thưởng thu vượt dự toán ngân sách năm 2015, đồng thời, kiến nghị cơ chế tài chính đặc thù cho thành phố để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Thắng kiến nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội có ý kiến với Chính phủ giải quyết kiến nghị bổ sung cho ngân sách thành phố nguồn kinh phí từ tiền được thưởng thu vượt dự toán năm 2015.
Bà Thắng cho biết, trước đây UBND TP đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính về thưởng vượt thu nêu trên. Theo đó, năm 2015 dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố là 233.776 tỷ đồng, trong đó số thu ngân sách trung ương hưởng theo phân cấp là hơn 190.186 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2015, thành phố thu đạt hơn 255.000 tỷ đồng, bằng 109,08% dự toán (tăng 16,03% so với cùng kỳ), trong đó số thu ngân sách trung ương hưởng theo phân cấp là hơn 199.771 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận kiến nghị thưởng 10.001,701 tỷ đồng cho thành phố để bổ sung vốn đầu tư phát triển, qua đó hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Bên cạnh đó, theo UBND TP, năm 2003, tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố là 33%, tuy nhiên đến thời kỳ ổn định ngân sách 2011 – 2016 tỷ lệ này chỉ còn 23%. Trong phạm vi nguồn thu thành phố được hưởng theo tỷ lệ điều tiết, sau khi ưu tiên bố trí chi thường xuyên, toàn bộ nguồn thu còn lại được dành cho đầu tư phát triển.
Do đó, mặc dù bình quân giai đoạn 2011 – 2015, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chiếm tỷ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách nhà nước, nhưng tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ điều tiết chỉ chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng chi.
Trong phạm vi nguồn thu được hưởng theo tỷ lệ điều tiết của thành phố quá hạn hẹp, tính chung giai đoạn 2011 – 2015, số cân đối từ thuế dành cho chi đầu tư phát triển của thành phố chỉ khoảng 9.500 tỷ đồng/năm, nhưng phải bố trí hơn 28% để thanh toán các khoản nợ và lãi vay đến hạn nên thực chất chi đầu tư xây dựng cơ bản chỉ còn hơn 6.800 tỷ đồng/năm, chỉ đáp ứng 19% nhu cầu đầu tư của thành phố.
Vì vậy, TPHCM cũng kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố, thực hiện từ năm 2017 và cho phép thành phố giữ ổn định tỷ lệ này trong giai đoạn 10 năm.
Ngoài ra, theo UBND TP, cơ chế thu ngân sách và quy định về phân cấp nguồn thu hiện hành được áp dụng chung cho cả nước, không có chính sách đặc thù nào (kể cả phụ thu) áp dụng riêng cho thành phố. Để tạo nguồn lực cho thành phố phát triển, cần tạo cho thành phố cơ chế đặc thù về phân cấp nguồn thu phù hợp với quy mô đô thị lớn trong khuôn khổ cho phép của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, thành phố kiến nghị trung ương cấp lại cho thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (dự kiến các mức 8 – 12% trong tổng thu) và thực hiện trong 10 năm để tạo điều kiện cho thành phố bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng sông, cảng biển, kết nối liên vùng.
Cho phép TPHCM được phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn thu này không phải điều tiết về trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định.
Trung ương cần phân cấp cho thành phố thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan thuộc trung ương quản lý và phân chia tỷ lệ phần trăm thành phố được hưởng là 50% đối với các khoản thu này. Phân chia tỷ lệ phần thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhà nước trung ương cho ngân sách thành phố được hưởng là 50%.
Ngoài ra, thành phố kiến nghị giữ nguyên cơ chế thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu cho thành phố như quy định của Chính phủ. Về mức thưởng vượt thu, thành phố kiến nghị ngân sách thành phố được thưởng 30% của số tăng thu từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.
Quốc Anh