TPHCM: Tạp hoá truyền thống “sống” lay lắt

(Dân trí) - Do sự phát triển bùng nổ của các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng tạp hoá truyền thống đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết đều đang “sống” lay lắt vì ế khách, kể cả ở các vùng nông thôn.

Tạp hoá "chết dần" vì ế khách

Khoảng 3 năm trở lại đây, hàng loạt cửa hàng tạp hoá truyền thống ở khu vực các quận của TPHCM đã phải đóng cửa. Thay thế vào đó là hàng ngàn cửa hàng tiện lợi mọc lên như "nấm sau mưa".

Ở nhiều khu vực, cứ cách khoảng 500m là có 1 cửa hàng tiện lợi với đầy đủ các loại nhu yếu phẩm nhập khẩu. Các cửa hàng đều được gắn máy lạnh mát mẻ, thậm chí có cả wifi miễn phí để khách sử dụng. Do đó, thị dân ưu tiên mua hàng ở những nơi này hầu như là lẽ tất yếu. Điều này đã đẩy các cửa hàng tạp hóa truyền thống vào thế khó vì quá ế.

"Giờ bán ế lắm con ơi, không như ngày xưa nữa nên buôn bán giờ cũng đủ ăn thôi. Ngày trước thì mình cô bán tạp hoá có thể lo cho cả gia đình nhưng giờ thì khó lắm. Giờ chủ yếu bán các mặt hàng mà các cửa hàng tiện lợi không có chứ các mặt hàng nhu yếu phẩm thông thường thì cạnh tranh không lại", bà Nguyễn Thị Như (chủ tiệm tạp hoá tại quận Tân Bình) cho hay.

Bà Trương Thu Ý (chủ tạp hoá tại quận Tân Phú) cũng buồn bã cho chia sẻ: "Cách đây 5-7 năm thì nhà tui có 3 cửa hàng tạp hoá. Trung bình mỗi cửa hàng phải thuê 1 người làm cả ngày và một người làm thêm buổi chiều tối nhưng giờ thì đóng hết 2 cửa hàng rồi. Giờ gia đình tự làm lấy thôi chứ không đủ tiền thuê nhân công nữa. Giờ đâu đâu cũng là cửa hàng thức ăn nhanh, bán đồ tiện lợi nên khách thích ghé hơn là các tạp hoá. Nghĩ cũng buồn nhưng đó là xu hướng nên mình đành phải chấp nhận thôi".

Tạp hoá truyền thống vắng dần khách vì ế
Tạp hoá truyền thống vắng dần khách vì ế

Chị Lê Lan cho biết lựa các cửa hàng tiện lợi vì hàng đảm bảo hơn.
Chị Lê Lan cho biết lựa các cửa hàng tiện lợi vì hàng đảm bảo hơn.

Ghi nhận của PV Dân Trí, không chỉ ở các quận trung tâm mà ở các quận ven và các huyện như Hóc Môn, Củ Chi thì hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng mọc lên khá nhanh. Chẳng hạn như tuyến đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) chỉ khoảng 2km nhưng có đến 4 điểm cửa hàng tiện lợi mọc lên chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây.

Chị Lê Lan (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: "Ngày trước mình cũng hay mua đồ ở tiệm tạp hoá nhưng gần đây thấy cửa hàng tiện lợi phù hợp hơn nên mình ghé mua luôn. Cần mua gì chỉ cần tạt qua rồi vô tranh thủ mua 5, 10 phút rồi về. Các sản phẩm cũng nhiều chủng loại và mặt hàng thì yên tâm hơn mua ở ngoài tạp hoá”.

Nhà đầu tư ngoại ồ ạt về nông thôn

Tuy đã phủ rộng khắp nhưng các hệ thống bán lẻ lớn cho biết họ vẫn tiếp tục mở thêm các cửa hàng tiện lợi để phủ kín thị trường TPHCM, kể cả các huyện ngoại thành. Vừa qua, Thế Giới Di động cũng đã công bố sẽ mở thêm 725 cửa hàng Bách Hóa Xanh, nâng số cửa hàng lên 1.000 trong năm nay. Trong khi đó, hệ thống VinMart+ cũng ồ ạt mở hàng trăm cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố và tốc độ mở rộng vẫn ngày càng tăng nhanh.

Không chỉ doanh nghiệp nội, đến cả các doanh nghiệp ngoại cũng đang đẩy mạnh việc mở rộng hệ thống cửa hàng tiện lợi với tốc độ vũ bạo. Đầu tiên là sự phát triển rầm rộ của các thương hiệu FamilyMart, Ministop, Circle K, B’s Mart. Tiếp đó, GS25 và Toromart cũng đang lên kế hoạch xâm lấn các vùng xa của TPHCM. Ở các huyện như Hóc Môn hay Củ Chi cũng dễ dàng tìm thấy các cửa hàng tiện lợi trên.

Mặt hàng đa dạng cùng chuỗi hệ thống chuyên nghiệp giúp các nhà đầu tư ngoại chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.
Mặt hàng đa dạng cùng chuỗi hệ thống chuyên nghiệp giúp các nhà đầu tư ngoại chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.

Giới trẻ giờ đây ưa chuộng những cửa hàng tiện lợi hơn tạp hoá vì mát mẻ, có wifi miễn phí.
Giới trẻ giờ đây ưa chuộng những cửa hàng tiện lợi hơn tạp hoá vì mát mẻ, có wifi miễn phí.

Theo các chuyên gia, việc tranh giành “miếng bánh” bán lẻ ở TPHCM đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Giai đoạn tranh chấp giữa bán lẻ hiện đại với bán lẻ truyền thống đã qua với phần thắng nghiêng về bán lẻ hiện đại. Và bây giờ là giai đoạn tranh giành thị phần của các hãng bán lẻ nội và ngoại, cuộc tranh giành này đang mở rộng trên khắp thành phố, kể các vùng nông thôn. Do không cạnh tranh lại, rất nhiều doanh nghiệp nội đã phải đóng cửa trong vài năm trở lại đây.

"Hiện nay nhiều địa điểm kinh doanh đắc địa đã về tay các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài các vùng trung tâm thì nay nhiều doanh nghiệp đã lấn sâu đến các vùng nông thôn, vùng xa để phát triển và đã đạt được những kết quả nhất định", ông Trần Anh Tuấn - Chuyên gia thị trường bán lẻ tại TPHCM, chia sẻ.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, cho rằng: "Nếu các nhà bán lẻ nước ngoài có thế mạnh về vốn và kinh nghiệm quốc tế thì các nhà bán lẻ trong nước cũng có thế mạnh riêng về am hiểu thị trường trong nước, từ nguồn hàng đến thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam”.

Xuân Hinh

TPHCM: Tạp hoá truyền thống “sống” lay lắt - 5