TPHCM: “Sốt” cao ốc văn phòng

Các cao ốc văn phòng cho thuê tại trung tâm TPHCM đã kín chỗ từ ba năm qua, nhất là văn phòng loại A và B. Hầu hết các công ty đang có hợp đồng thuê văn phòng đều tiếp tục gia hạn hợp đồng, bất chấp giá cho thuê tăng trung bình 10%/năm.

Xoay xở kiếm vị trí đẹp

 

Với nhu cầu mặt bằng làm việc khoảng 7.000 mét vuông đến năm 2009, Công ty Gia công phần mềm xuất khẩu FCG (Việt Nam) phải mất cả năm trời mới thuê được tòa nhà 3.000 mét vuông trên đường Lý Chính Thắng (quận 3) và tòa nhà mười tầng lầu của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE trên đường Nguyễn Trãi (quận 5). Công ty phải chi tiền để thiết kế, trang bị lại toàn bộ hai tòa nhà cho phù hợp với yêu cầu công việc và tự quản lý chúng.

 

Dù công việc hiện tại đã ổn định nhưng Tổng giám đốc Ngô Hùng Phương vẫn tỏ vẻ không hài lòng nhưng không có sự chọn lựa nào khác.

 

Theo ông Phương, tình trạng “một chốn đôi quê” làm chi phí quản lý tăng cao. Hơn nữa, nhược điểm của tòa nhà ở đường Lý Chính Thắng là nằm trên đường một chiều, còn “công viên phần mềm FCG” ở quận 5 thì bị lọt thỏm trong khu... mua bán quần áo, giày dép và hàng tiêu dùng!

 

Quả thật cơ hội cho các doanh nghiệp đến sau đặt chân vào các tòa cao ốc sang trọng ở trung tâm thành phố hầu như không còn. Các công ty tư vấn bất động sản cũng đang “đau đầu” vì số lượng đơn hàng tìm văn phòng ngày càng nhiều mà nguồn cung không đủ. Gần đây rất nhiều dự án cao ốc được triển khai nhưng phải sau ba, bốn năm nữa mới xong.

 

Các nhà tư vấn bất động sản cho rằng trước tốc độ phát triển nhanh của khu vực kinh tế tư nhân và luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào TPHCM ngày càng nhiều, tình hình bất cân đối về cung cầu của thị trường văn phòng cho thuê sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa.

 

Theo số liệu của Chesterton Petty, một công ty tư vấn bất động sản, hiện TPHCM chỉ có khoảng 350.000 mét vuông sàn văn phòng đang hoạt động, trong đó tỷ lệ văn phòng loại A rất thấp.

 

Ông Brett Ashton, Phó Tổng giám đốc Chesterton Petty Việt Nam, cho rằng thực trạng này không tương xứng với một trung tâm kinh tế tài chính như TPHCM. “Sự khan hiếm kéo dài sẽ dẫn đến “sốt” giá”.

 

Giá cho thuê văn phòng loại A có thể lên đến 38 đô la Mỹ/mét vuông vào năm tới, cao hơn cả khu vực trung tâm Singapore hiện nay (34 đô la Mỹ), ông Ashton dự báo.

 

Trong bối cảnh đó, nhiều công ty mở rộng quy mô hoạt động, cần hàng ngàn mét vuông văn phòng thì không thể chờ các dự án đầu tư đang được triển khai. Họ chủ động đi tìm đất xây trụ sở, tuy nhiên, hành trình này cũng không ít gian nan và là những câu chuyện dài, mỗi “nhà” một kiểu.

 

Một vài ví dụ cho trường hợp này là : Công ty Bảo hiểm Manulife đã ký hợp đồng thuê đất dài hạn để xây một tòa nhà hơn 7.000 mét vuông sàn trong khu quy hoạch trung tâm tài chính quốc tế của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, và sẽ rời khỏi cao ốc Diamond Plaza sau hai năm nữa.

 

Tương tự, tập đoàn Unilever cũng sẽ từ Central Plaza chuyển về tòa nhà mới với hơn 10.000 mét vuông sàn làm việc tại Phú Mỹ Hưng. Prudential hồi cuối năm ngoái cũng đã khai trương tòa nhà văn phòng tại Bến Cần Giuộc (quận 8), thêm gần 7.500 mét vuông sàn làm việc cho nhân viên...

 

Xây cao ốc là thắng?

 

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng trong thời điểm hiện nay đầu tư cao ốc văn phòng tại TPHCM là “thắng chắc”. Theo ông Ashton, sự khác biệt của thị trường thuê văn phòng tại Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực ở chỗ đối tượng làm nóng thị trường lại là các công ty trong nước, chứ không phải nước ngoài.

 

“Các công ty Việt Nam có xu hướng chọn văn phòng loại A và B nhằm khẳng định vị thế doanh nghiệp và thụ hưởng những tiện ích, dịch vụ chuyên nghiệp và cao cấp” - ông Ashton cho biết.

 

Thực tế cho thấy nhiều nhà đầu tư đã đón bắt cơ hội. Cao ốc Vietcombank Tower ở Công trường Mê Linh (quận 1) là một ví dụ. Dự án có vốn đầu tư gần 60 triệu đô la Mỹ này có tổng diện tích sàn 77.000 mét vuông.

 

Theo kế hoạch, đến năm 2009 công trình này mới được xây xong nhưng chủ đầu tư là Công ty liên doanh Vietcombank-Bonday-Bến Thành tin rằng cao ốc sẽ đạt được công suất cho thuê tối đa khi đưa vào sử dụng.

 

Ông Nguyễn Quang Hải, quyền Tổng giám đốc công ty, cho biết trước mắt khách hàng chiến lược là Vietcombank sẽ sử dụng ít nhất 20% diện tích. Một số tập đoàn thương mại và trường đại học quốc tế cũng đã đề cập nhu cầu thuê dài hạn từ hai tầng trở lên hoặc vài ngàn mét vuông.

 

Nhiều dự án khác cũng khá lạc quan mặc dù còn trong quá trình xây dựng. Trung tâm Thương mại-Văn phòng 18 tầng của Sacombank trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa với hơn 20.000 mét vuông sàn sẽ chính thức hoạt động vào năm tới, tăng thêm diện tích sàn làm việc cho ngân hàng này và dành một phần cho các đối tác thuê.

 

Những tòa nhà nằm ở vị trí xa trung tâm một chút cũng được đông đảo khách quan tâm. Ở Nam Sài Gòn chẳng hạn, sau khi cả ba tòa nhà văn phòng do Phú Mỹ Hưng đầu tư là Broadway I, Broadway II và Lawrence S.Ting đã hết chỗ, một số dự án văn phòng khác đang được xúc tiến tại đây, trong đó có cao ốc Saigon Paragon của Công ty cổ phần Kim Cương, các tòa nhà văn phòng của Nam Long, Holcim... sẽ hoạt động vào năm tới.

 

Tương tự về phía Tây Bắc thành phố, tòa nhà E-Town 1 của REE trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đã cho thuê hết hơn 26.000 mét vuông từ năm ngoái. E-Town 2 với gần 27.000 mét vuông sàn đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể hoạt động vào đầu năm tới.

 

Hiện tại, TPHCM có khoảng vài chục dự án đang được xúc tiến, là văn phòng làm việc đơn thuần hoặc văn phòng kết hợp với các tòa nhà chức năng khác trong khu phức hợp.

 

Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy tiến độ triển khai các dự án thường chậm trễ do nhiều lý do nhưng cái khó chung nhất mà nhiều chủ đầu tư gặp phải là quy trình thủ tục quá phức tạp, đặc biệt là đối với các dự án có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước. Việc chậm trễ này càng làm dãn khoảng cách cung cầu, tăng độ rủi ro cho nhà đầu tư.

 

Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần có những quyết sách để thúc đẩy quá trình phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ mà trước mắt là đẩy nhanh tiến độ duyệt quy hoạch kiến trúc và cải cách thủ tục hành chính phục vụ đầu tư, xây dựng nhằm góp phần giải quyết bài toán cung cầu.

 

Theo Thanh Phương

Thời báo KTSG