1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

TPHCM sẽ tiếp tục công khai chủ đầu tư “cắm” dự án cho ngân hàng

(Dân trí) - “TPHCM sẽ tiếp tục công khai chủ đầu tư “cắm” dự án cho ngân hàng trên cơ sở minh bạch hóa thêm một số tiêu chí nữa. Việc công khai đảm bảo chính xác quyền lợi của người dân đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa nói.

Sáng 5/8, phiên chất vấn kỳ họp thứ hai HĐND TPHCM khóa IX "nóng" với việc tháo gỡ chung cư cũ, chủ đầu tư đem chung cư thế chấp ngân hàng.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt cho biết, hiện nay TPHCM có rất nhiều chung cư cũ xuống cấp trầm trọng. Ông Nhựt đề nghị UBND TPHCM nêu rõ công tác quy hoạch về xây dựng và quản lý các chung cư, đặc biệt công tác di dời, tháo dỡ, cải tạo và xây dựng mới chung cư cũ.

Nghị trường kỳ họp HĐND TPHCM nóng theo thị trường nhà đất
Nghị trường kỳ họp HĐND TPHCM "nóng" theo thị trường nhà đất

Ngoài ra, đại biểu này cũng chỉ ra việc chung cư 590 đường Cách Mạng Tháng 8, P.11, Q.3 (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Giao thông Vận tải) được đưa vào sử dụng từ năm 2008 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không tổ chức hội nghị nhà chung cư đề bầu ra ban quản trị theo luật định. Không chỉ vậy, các hạng mục xây dựng trường mẫu giáo cho con em chung cư không được triển khai, buộc các hộ dân phải mang con đi gửi nơi khác vừa tốn thời gian lại vừa trái tuyến. Trong khi quy hoạch chung cư thì có xây dựng trường mẫu giáo nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Mặt khác đến thời điểm hiện nay thì 220 hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở.

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa cũng cho rằng, cử tri rất lo lắng việc chủ đầu tư cắm dự án cho ngân hàng. Ông Nghĩa đề nghị UBND TP cần có ý kiến để "trấn an" lòng dân.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc thực hiện công tác quy hoạch xây dựng, quản lý chung cư cũ và mới nằm trong chương trình chỉnh trang đô thị của thành phố. Theo đó, cơ quan chức năng xem đây là một mục tiêu quan trọng để lo cho chỗ ăn, chỗ ở của người dân.

Việc cải tạo chung cư cũ là một phần quan trọng trong chương trình chỉnh trang đô thị TPHCM
Việc cải tạo chung cư cũ là một phần quan trọng trong chương trình chỉnh trang đô thị TPHCM

Qua khảo sát, tại địa bàn TPHCM hiện có 474 chung cư hư hỏng cần phải được xử lý. Theo ông Khoa, xử lý chung cư hư hỏng là một vấn đề cần thiết nhưng cũng hết sức khó khăn. Bởi lẽ, phải chuẩn bị chỗ di dời, chỗ ở tạm để có thể xây dựng mới và bố trí lại. Do đó, Thành ủy và UBND TP đã có chỉ đạo quyết liệt một số quan điểm. Cụ thể, nâng cấp mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, Lãnh đạo thành phố đã xin Thủ tướng Chính phủ cho phép TPHCM được chọn lựa và chỉ định nhà đầu tư để thực hiện xử lý các chung cư hư hỏng sắp sập.

Lý giải nguyên nhân phải xin cơ chế đột phá như vậy, ông Khoa khẳng định, nếu làm theo quy trình bình thường thì rất lâu, trong khi chung cư hư hỏng không chờ đợi.

“Lãnh đạo thành phố sẽ phân cấp về cho UBND 24 quận, huyện để chủ động trong việc lựa chọn nhà đầu tư, xử lý những chung cư hư hỏng. Chúng tôi tin rằng với cách làm này thì tiến độ giải quyết sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn”, ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, TPHCM phấn đấu trong nhiệm kỳ này, tháo dở di dời ít nhất là 50% chung cư hư hỏng.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM trao đổi với các đại biểu sau phần đăng đàn trả lời chất vấn
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM trao đổi với các đại biểu sau phần đăng đàn trả lời chất vấn

Đối với vấn đề chủ quyền nhà, đặc biệt là ở những chung cư mà chủ đầu tư đã thế chấp ở ngân hàng. Ông Khoa cho rằng đây là một vấn đề rất nhạy cảm, được rất nhiều người dân quan tâm đặc biệt là những người đã mua căn hộ chung cư.

Thực tế, thời gian qua ở TPHCM, có nhiều chủ đầu tư đem dự án thế chấp ngân hàng gây khó khăn cho việc cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà. Bởi lẽ muốn cấp giấy chủ quyền cho người mua thì phải cho giấy chủ quyền chung. Mà muốn có chủ quyền chung thì chủ đầu tư phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Đằng này, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư đã thu tiền của người mua rồi sau đó là thế chấp ngân hàng. Đến khi ngân hàng đòi kê biên thế chấp thì người thiệt thòi là người mua căn hộ chung cư.

“Nhận thức được vấn đề này, thành phố cũng đã kịp thời xử lí. Trước hết, đối với những trường hợp cụ thể như chung cư Harmona, Bảy Hiền Tower... chúng tôi đã kiểm tra và xử lý cụ thể. Những người dân mua chung cư và đã thực hiện nghĩa vụ của mình một cách đầy đủ thì được đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng. Quan điểm xử lý của thành phố là như vậy", ông Khoa nói.

Một cử tri cao tuổi đã tìm đến nghị trường để phản ánh những vướng mắc đang gặp phải với dự án Nhà ở Xã hội HQC Hóc Môn và đã được ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng (phải) hướng dẫn giải quyết
Một cử tri cao tuổi đã tìm đến nghị trường để phản ánh những vướng mắc đang gặp phải với dự án Nhà ở Xã hội HQC Hóc Môn và đã được ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng (phải) hướng dẫn giải quyết

Liên quan đến việc công khai chủ đầu tư cắm dự án ngân hàng, ông Khoa cho rằng, việc làm này là cần thiết để góp phần công khai, minh bạch thị trường bất động sản.

"Việc công khai này dư luận rất đồng tình nhưng chúng tôi nghĩ rằng, nhiêu đó cũng chưa đủ. Thường trực ủy ban đã chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường cùng các sở, ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu để làm sao công khai hóa, minh bạch hóa một số tiêu chí nữa. Việc công khai đó đảm bảo chính xác quyền lợi của người dân đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư”, ông Khoa nói.

Công Quang