TPHCM sẽ được giữ lại bao nhiêu tiền sau khi dự kiến nâng tỷ lệ điều tiết?

Bích Diệp

(Dân trí) - Với tỷ lệ điều tiết để lại ngân sách địa phương được hưởng 21%, trong năm 2022, dự kiến TPHCM sẽ được giữ lại khoảng 41.536 tỷ đồng, tổng thu ngân sách được hưởng theo phân cấp là hơn 84.120 tỷ đồng.

TPHCM sẽ được giữ lại bao nhiêu tiền sau khi dự kiến nâng tỷ lệ điều tiết? - 1

Thu ngân sách của TPHCM trong năm 2022 dự kiến sẽ được cải thiện đáng kể (Ảnh: TPHCM).

Ngày 27/10, Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo "Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội".

Bản báo cáo này nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác những thông tin chủ yếu liên quan đến đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2021 và dự kiến dự toán thu chi NSNN năm 2022 trình Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 2 xem xét, quyết định.

Một nội dung đáng chú ý là tại báo cáo này của Bộ Tài chính, trong phần dự toán thu chi, cân đối ngân sách địa phương, tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia, Bộ Tài chính dự kiến nâng tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TPHCM lên mức 21% so với mức hiện tại (giai đoạn 2016-2021) là 18% (tương ứng tăng thêm 3%).

Bộ Tài chính ước tính tổng thu ngân sách TPHCM dự kiến năm 2022 là gần 386.570 tỷ đồng, tiếp tục là địa phương có số thu ngân sách lớn nhất cả nước.

Với tỷ lệ điều tiết để lại ngân sách địa phương được hưởng 21%, trong năm 2022, TPHCM sẽ được giữ lại khoảng 41.536 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% là gần 42.600 tỷ đồng.

Như vậy, tổng thu ngân sách địa phương TPHCM được hưởng theo phân cấp là hơn 84.120 tỷ đồng, tăng gần 22% so với dự toán năm 2021.

Ngược lại, đối với Hà Nội, Bộ Tài chính dự kiến giảm 3% tỷ lệ điều tiết để lại ngân sách cho địa phương này từ mức 35% hiện tại xuống 32% từ năm 2022.

Theo ước tính, thu ngân sách của Hà Nội trong năm 2022 dự kiến là 311.650 tỷ đồng và là địa phương đóng góp ngân sách lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau TPHCM.

Với tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương được hưởng 32%, Hà Nội được giữ lại hơn 53.159 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% là gần 45.779 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách địa phương Hà Nội được hưởng theo phân cấp là hơn 98.939 tỷ đồng, tăng gần 22% so với dự toán năm 2021.

Căn cứ dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, cùng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính xác định mục tiêu NSNN năm 2022 là huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Tài chính cũng hướng đến việc đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi NSNN.

Riêng trong năm 2021, dự toán thu ngân sách năm 2021 là hơn 1,343 triệu tỷ đồng. Trong đó, 9 tháng đã thu được hơn 1,077 triệu tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2020.

Sang năm 2022, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 1,411 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.

Dự toán NSNN năm 2022 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6-6,5% so với năm 2021, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 60 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2%.

Mức dự toán nêu trên đã được tính toán kỹ trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nhân lực, doanh thu sụt giảm mạnh, việc phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cần thời gian và chi phí lớn.

Riêng trong năm 2021, dự toán bội chi NSNN là 343.670 tỷ đồng, bằng 4% GDP. Bộ Tài chính phấn đấu điều hành bảo đảm bội chi NSNN năm 2021 trong phạm vi 4% GDP.

Dự kiến đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7%, dư nợ Chính phủ khoảng 39,5%, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 38,8% so với GDP ước thực hiện, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 24,8% tổng thu NSNN.