TPHCM: Sau "siêu thị dã chiến", liệu có thể đem chợ ra đường?

Việt Đức

(Dân trí) - Một nhóm kiến trúc sư tại TPHCM đề xuất mô hình chợ trên đường phố với 3-4 tiểu thương bán hàng tại mỗi khu vực dưới sự giám sát để phục vụ nhu cầu người dân tại chỗ, đảm bảo giãn cách.

Siêu thị tích cực bán hàng lưu động

Sau nhiều ngày xếp hàng dài chờ đợi ở các siêu thị mini gần nhà nhưng vẫn chưa mua được rau, củ, Lan Anh đến một điểm bán hàng lưu động tại quận Bình Thạnh sau khi biết thông tin. Siêu thị này có đầy đủ thịt, cá, rau củ với giá ổn định do các doanh nghiệp bán lẻ phối hợp với ngành Công Thương, chính quyền địa phương tổ chức. 

Trong ngày 14/7, Aeon đang tổ chức 4 xe bán hàng lưu động lần lượt di chuyển đến các điểm do Sở Công Thương TPHCM và chính quyền các quận, huyện TP Thủ Đức bố trí. Mỗi ngày, các điểm bán lưu động này mở cửa từ 8h30 đến 11h, kéo dài đến hết thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Mỗi xe có khoảng một tấn hàng đầy đủ thịt cá, rau củ quả, đồ khô. 

TPHCM: Sau siêu thị dã chiến, liệu có thể đem chợ ra đường? - 1

Người dân xếp hàng dài đợi mua sắm thực phẩm tại một điểm bán lưu động ở quận Bình Thạnh sáng 14/7 (Ảnh: Nguyễn Quang).

Từ ngày 12/7, Bách Hóa Xanh cũng tổ chức địa điểm bán hàng lưu động đầu tiên ngay trong khu vực bị phong tỏa ở quận 7, đáp ứng nhu cầu cho các khách hàng không thể ra ngoài khu vực mua sắm. Đến nay, hệ thống này đang có 4 điểm bán hàng lưu động ngoài trời tại quận 7 và Bình Tân, đón khoảng 500 khách mỗi ngày.

Không chỉ các siêu thị, sàn thương mại điện tử Voso của Viettel cũng phối hợp với ngành Công Thương mở 34 điểm bán hàng lưu động với nhiều loại nông sản, rau củ quả đặt tại các bưu cục Viettel Post tại 18 quận, huyện ở TPHCM. Doanh nghiệp này cam kết giá bán giá bằng hoặc thấp hơn giá bán chương trình bình ổn của TPHCM.

Chợ trên đường phố với sự giám sát

Chia sẻ với Dân trí, nhóm kiến trúc sư (KTS) Trần Quang Hiếu, Trần Tấn Phúc của công ty Librazzi cho rằng cần thêm giải pháp để người dân TPHCM có thể dễ dàng mua sắm thực phẩm trong bối cảnh các siêu thị liên tục quá tải, tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong không gian kín, đặc biệt với tình hình dịch bệnh có thể kéo dài.

Theo anh Phúc, việc các siêu thị tổ chức bán hàng lưu động là một giải pháp tốt góp phần giảm tình trạng quá tải tại hệ thống. Tuy nhiên, nguồn lực của các siêu thị cũng có giới hạn và bản thân các hệ thống này đang chịu nhiều áp lực vận hành để phục vụ người dân thành phố khi hơn nửa số chợ truyền thống tại TPHCM tạm đóng cửa.

Nhóm nghiên cứu đề xuất TPHCM có thể thử nghiệm mô hình "chợ trên đường phố" phân tán tại các khu phố, giảm việc tập trung đông người tại một số điểm, đồng thời giải quyết sinh kế cho nhiều tiểu thương chợ truyền thống trong giai đoạn hiện nay. 

TPHCM: Sau siêu thị dã chiến, liệu có thể đem chợ ra đường? - 2

Người dân New York giãn cách mua hàng ngoài trời (Ảnh: NYTimes).

Từ mô hình chợ nông sản ngoài trời ở cả phương Tây và nhiều nước Đông Nam Á, hai kiến trúc sư đề xuất TPHCM nghiên cứu đóng cửa một hoặc 2 chiều, tổ chức lại giao thông trên một tuyến đường trong từng khu phố với tiêu chí lưu lượng xe ít, có nhiều bóng râm, không ảnh hưởng giao thông vùng để triển khai chợ phân tán cho từng khu phố. Người dân sẽ đi chợ ngay trong khu phố của mình, không di chuyển đến khu vực khác.

Mỗi điểm chỉ cần tối thiểu 3-4 tiểu thương bán các mặt hàng thiết yếu nhất như thịt cá, rau củ quả, nhu yếu phẩm, thức ăn chế biến sẵn. Vị trí quầy hàng phải được đánh dấu rõ ràng, đảm bảo khoảng cách y tế. Tiểu thương phải đăng ký và chỉ bán hàng ở khu phố đó trong suốt thời gian giãn cách. 

Để tổ chức mô hình này, nhóm nghiên cứu cho rằng cần có các hàng rào nhẹ, vạch kẻ, vòng tròn đánh dấu, hướng mũi tên để định hướng, phân luồng người mua hiệu quả, an toàn. Số người vào chợ cùng lúc giới hạn, khách hàng có thể gọi điện thoại trước và chỉ đến lấy. Chợ được tổ chức từ sáng đến chiều để hạn chế tập trung đông người một thời điểm, buổi tối thu dọn để tránh tụ tập.

KTS Phúc nhấn mạnh mô hình này không phải là chợ tự phát vì có sự tham gia giám sát của địa phương, tận dụng nguồn lực cộng đồng, tình nguyện viên. Ví dụ có thể tổ chức chợ ngay ở sân chung cư nếu có sự tham gia của ban quản lý. Theo nhóm nghiên cứu, việc tổ chức chợ trên đường phố ở từng khu phố chính là yếu tố có thể đảm bảo giãn cách, an toàn.

TPHCM: Sau siêu thị dã chiến, liệu có thể đem chợ ra đường? - 3

Tiểu thương chợ ở Bali (Indonesia) bán hàng ngoài trời trong các ô giãn cách (Ảnh: Straits Times).

"Những người dân địa phương, tình nguyện viên sẽ là lực lượng theo dõi và nhắc nhở nhau làm đúng, đảm bảo an toàn cho chính khu phố của mình. Nếu tuyên truyền tốt, tại nơi quen thuộc, người ta ít có khả năng làm sai hơn là ở nơi không ai biết mình là ai. Tình trạng thực hiện sai có thể ít hơn vì ai bị phạt không chỉ tốn tiền mà còn xấu hổ với hàng xóm xung quanh", KTS Phúc chia sẻ.

Ngoài ra, khi TPHCM dần mở cửa trở lại, mô hình này vẫn hoàn toàn có thể áp dụng thêm cho người bán thức ăn mang về, bán hàng rong, các hoạt động thiện nguyện.

Nhóm nghiên cứu cho rằng mô hình này giúp phát huy nguồn lực xã hội, tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế từ tiểu thương, người lao động có thể tái khởi động lại cuộc sống, để không ai bị bỏ lại phía sau. 

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, nhận định đây là ý tưởng tốt khi không tập trung đông người tại một điểm. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần tính toán giải pháp lưu thông không khí liên tục với mô hình chợ trên đường phố này.

"Khi trời nắng, người bán sẽ dùng ô. Khi để ô khum sẽ đọng không khí khu vực đó. Cần sắp xếp để không khí lưu chuyển liên tục, không thổi trực tiếp từ người này vào người kia. Ngoài ra phải ổ chức ở một mặt bằng rộng chứ không phải trong hẻm vì nếu để luồng gió cuốn vi rút theo một hướng sẽ nguy hiểm", Tiến sĩ Thu Anh chia sẻ với Dân trí.