TPHCM: Người chơi lại khóc ròng vì “tiền ảo" vỡ trận

(Dân trí) - Ngay sau khi người đứng đầu quỹ “tiền ảo” BTC-e bị bắt, hàng trăm người chơi ở TPHCM đã không thể tiếp tục giao dịch. Nhiều người thậm chí đã bán cả nhà để đầu tư vào Bitcoin với hy vọng "đổi đời" giờ đang đứng trước nguy cơ mất "cả chì lẫn chài".

“Tiền ảo” liên tục sập hệ thống

Vừa qua, Cơ quan chức năng Hoa Kỳ đã tiến hành bắt giữ Alexander Vinnik tại một làng chài ven biển thuộc miền Bắc Hy Lạp. Vinnik là một trong những nhân vật kiến thiết và xây dựng hệ thống “tiền ảo”mang tên BTC-e. Ông này bị bắt vì cáo buộc rửa tiền với số tiền lên tới 4 tỉ USD. Theo như thống kê của cơ quan chức năng, trước khi bị bắt, hệ thống tiền ảo của Vinnik có tổng cộng 7 triệu bitcoin gửi vào và 5,5 triệu bitcoin rút ra.

Trước khi Vinnik bị bắt, hệ thống “tiền ảo”BTC-e chỉ đăng tải 2 dòng trạng thái khá ngắn ngủi về tình trạng ngưng hoạt động với lý do bảo trì hệ thống. Tuy vậy, kể từ khi Vinnik bị bắt đến nay đã 5 ngày nhưng hệ thống vẫn không thể hoạt động trở lại.

BTC-e từng được xem là một trong những hệ thống giao dịch tiền Bitcoin lớn nhất thế giới và được thành lập hơn 10 năm. Nhiều người tham gia hệ thống “tiền ảo”Bitcoin coi đây là một kênh đầu tư hấp dẫn để làm giàu và BTC-e luôn là kênh đầu tư uy tín. Do vậy, khi BTC-e ngưng hoạt động càng khiến nhiều người đầu tư BTC-e tỏ ra hoang mang. Điều này càng chứng tỏ, hệ thống “tiền ảo”Bitcoin trên thế giới có thể "sập" bất kỳ lúc nào và bất cứ hệ thống nào.

Thêm một hệ thống “tiền ảo” khủng bị sập hệ thống, khách hàng có nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu USD
Thêm một hệ thống “tiền ảo” khủng bị sập hệ thống, khách hàng có nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu USD

Trước đó, nhiều hệ thống “tiền ảo” Bitcoin từng được mệnh danh là "con gà đẻ trứng vàng" cũng đã bị đóng cửa. Cụ thể, năm 2015, chủ sàn giao dịch Mt.Gox từng là sàn tiền ảo bitcoin có giá trị giao dịch lớn nhất thế giới đã bị bắt. Trước đó, tháng 2/2014, sàn giao dịch này tuyên bố đóng cửa và hơn 750.000 bitcoin của khách hàng cùng 100.000 bitcoin của công ty - tương đương với 500 triệu USD đã "không cánh mà bay".

Tháng 8/2016, Bitfinex - một trong những sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới cũng đã từng bất ngờ ngừng toàn bộ giao dịch để kiểm tra lại hệ thống sau sự cố bị hacker tấn công. Tin tức này khiến rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới rơi vào cảnh điêu đứng. Sau sự cố trên, hàng triệu đồng “tiền ảo” Bitcoin cũng biến mất với số tiền lên đến hàng trăm triệu USD của các nhà đầu tư.

Chỉ tính tại Việt Nam, khoảng 5 năm trở lại đây cũng có hàng chục hệ thống giao dịch “tiền ảo” biến mất mang theo hàng triệu USD của nhà đầu tư. Gần đây nhất có thể kể đến hệ thống “tiền ảo” ILCoin, Swiscoin, M5... Dù vậy, hàng ngày vẫn có hàng trăm người tham gia vào các hệ thống “tiền ảo” với hy vọng có thể trở thành triệu phú hoặc tỉ phú chỉ trong vài năm đầu tư.

Hiện, hàng trăm người tại Việt Nam vẫn tham gia các hệ thống “tiền ảo” vì cho rằng đây là kênh đầu tư hái ra tiền.
Hiện, hàng trăm người tại Việt Nam vẫn tham gia các hệ thống “tiền ảo” vì cho rằng đây là kênh đầu tư "hái ra tiền".

Nhà đầu tư Việt lại... mất ngủ

Ngay sau khi có thông báo ngưng hoạt động của hệ thống BTC-e, giới đầu tư tài chính tại TPHCM đã thực sự im ắng. Các trụ sở "ảo" của các hệ thống “tiền ảo” Bitcoin tại các quán cà phê tại Tân Bình cũng không một bóng người.

Chị Nguyễn T. (nhà đầu tư Bitcoin tại Gò Vấp) thấp thỏm: "Tôi đi vay mượn được hơn 500 triệu đồng đầu tư vào Bitcoin vì nghe bạn nói làm cái này nhanh giàu. Sau hơn 1 năm đầu tư tôi cũng đã thấy số lời lên được hơn 700 triệu đồng. Nhiều lần muốn rút tiền ra nhưng nghĩ cứ đà này càng để càng lời nên tôi lại không rút nữa.

Hôm rồi đọc thông tin trên hệ thống của tôi đang chơi là BTC-e ngưng hoạt động mà điếng người. Bữa giờ cứ gọi điện hết cho người này người kia hỏi mà không ai biết tại sao hệ thống lại ngưng hoạt động. Giờ mà hệ thống không hoạt động lại tôi không biết lấy tiền đâu mà trả nợ, cũng không biết giải thích sao với chồng".

Sau khi BTC-e ngưng hoạt động, nhiều tài khoản của khách hàng đã tự động biến mất.
Sau khi BTC-e ngưng hoạt động, nhiều tài khoản của khách hàng đã tự động biến mất.

Cùng tâm trạng như chị T, anh H. (ngụ quận 7) than thở: "Bữa giờ ăn không dám ăn, ngủ không dám ngủ em ạ. Cứ ôm khư khư cái điện thoại chỉ mong sao hệ thống hoạt động lại để rút tiền ra. Anh đầu tư vào đây hơn 2 tỉ bạc, trong đó tiền cắm sổ hồng của nhà rồi tiền đi vay mượn khắp nơi. Lúc đồng Bitcoin lên gần 3.000 USD/đồng cứ định rút ra mà nghe đồn nó sắp lên 5.000 USD/đồng nên tiếc không dám rút. Bây giờ chỉ biết cầu nguyện chứ biết làm gì bây giờ, nó (BTC-e) mà không hoạt động lại chắc chỉ còn nước ra đường ở".

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Tuấn Anh (một chuyên gia về kinh doanh online) chia sẻ: "Từ trước đến nay, các đồng “tiền ảo” chưa bao giờ là kênh đầu tư an toàn trên thế giới và đặc biệt là Việt Nam. Những năm gần đây, liên tiếp nhiều hệ thống “tiền ảo” trên thế giới bị đánh sập. Tại Việt Nam thì càng ngày càng biến tướng thêm nhiều loại “tiền ảo” để thu hút đầu tư.

Đối với những người làm tài chính thực thụ thì “tiền ảo” vẫn chỉ là dòng tiền không thực tế. Tuy vậy, nhiều người lại cứ nghe lời ngon ngọt của các nhân viên tư vấn rồi nghĩ đây là kênh đầu tư "hái ra tiền". Tôi xin nhắc lại một lần nữa để các nhà đầu tư Việt có cái nhìn khách quan rằng tại Việt Nam vẫn chưa cho phép bất kỳ hình thức kinh doanh “tiền ảo” nào. Do vậy, nếu các nhà đầu tư không tỉnh táo cứ tiếp tục đổ tiền vào “tiền ảo” thì chắn chắn sẽ mất hết những gì mình đã đầu tư".

Xuân Hinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm