TPHCM: Kiến nghị sớm cho thành lập ngân hàng Việt kiều

(Dân trí) - Tại buổi gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu mong muốn Chính phủ tạo điều kiện sớm cho thành lập ngân hàng Việt kiều – đây là đề xuất được đưa ra cách đây 25 năm trước nhưng chưa thực hiện được.

Cho phá sản ngân hàng yếu kém

Tại buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với 57 chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu chiều 12/11, ông Phạm Đỗ Chí, một Việt kiều từ Mỹ, cho biết ông rất mừng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh về Chính phủ kiến tạo, đổi mới đóng vai trò xúc tác các sáng tạo cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Ông Chí mạnh dạn đề xuất Việt Nam nên tự do hóa khu vực tư nhân bằng cách cởi trói cho doanh nghiệp. Tại TPHCM, ông Chí đề xuất cần lập ra một trung tâm công nghệ cao vào năm 2018 (tạm gọi là Saigon Silicon City), khuyến khích phát triển doanh nghiệp mới đi đôi với phát triển giáo dục và công nghệ cao; lập trung tâm tài chính tại TPHCM vào năm 2020…

TS Nguyễn Trí Hiếu mong muốn Chính phủ tạo điều kiện sớm thành lập ngân hàng Việt kiều (ảnh Quốc Anh)
TS Nguyễn Trí Hiếu mong muốn Chính phủ tạo điều kiện sớm thành lập ngân hàng Việt kiều (ảnh Quốc Anh)

Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu (Việt kiều Mỹ) lo ngại về sự khó khăn của đất nước hiện nay vì đang nợ quá nhiều. Đó là nợ công, nợ xấu của các ngân hàng và gánh nợ ngân hàng yếu kém hiện nay.

Theo ông Hiếu, nợ công đang tiếp cận giới hạn 65% GDP mà Quốc hội cho phép, đe dọa sự an toàn của nền tài chính công. Ông đề xuất Chính phủ phải rà soát chặt chẽ để loại bỏ những dự án đầu tư không hiệu quả và chi phí chi thường xuyên lãng phí. Thứ hai là phải hạn chế việc đảo nợ. Vì Chính phủ đảo nợ, giãn nợ thì cuối cùng nợ chồng nợ và thế hệ sau sẽ nợ nhiều hơn thế hệ trước.

“Chính phủ phải có kế hoạch kinh tế tăng 7%/năm và kiểm soát lạm phát không quá 5%/năm. Chỉ có tăng trưởng trên 7%/năm thì mới có tiền trả nợ còn không ngày càng nợ. Ngoài ra, cần có trần nợ công. Nếu cứ đặt giới hạn nợ công 65% GDP thì khi GDP tăng nợ công cũng tăng. Cứ nước lên thuyền lên thì chúng ta không bao giờ thoát khỏi cảnh nợ nần”, ông Hiếu đề xuất.

Theo ông Hiếu, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng sắp đạt 7% dư nợ quốc gia. Nếu để cho các ngân hàng thương mại và VAMC (Công ty quản lý tài sản) tiếp tục xử lý nợ xấu theo các phương pháp từ trước đến nay thì vấn đề nợ xấu sẽ đi vào ngõ bí.

Ông Hiếu cho rằng phải dùng ngân sách để xử lý nợ xấu. Chính phủ giao tiền cho một cơ quan nào đó, có thể là VAMC để mua nợ từ các ngân hàng thương mại theo giá thị trường, mua với “tiền tươi thóc thật” và “mua đứt bán đoạn”.

“Theo cách này thì Chính phủ không trả nợ thay cho người đi vay mà thông qua cơ quan mua bán nợ mua nợ từ ngân hàng thương mại và có thể bán lại trên thị trường mua bán nợ để thu hồi số tiền Chính phủ đã ứng trước. Hay thanh lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, và dùng số tiền này trả lại cho Chính phủ”, ông Hiếu phân tích.

Mong muốn thành lập ngân hàng Việt kiều

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất nên cho các ngân hàng yếu kém phá sản, rời khỏi thị trường. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cho sát nhập và mua lại các ngân hàng yếu kém. Đây có thể coi là giải pháp tốt nhưng chỉ mang tính tình huống và không thể tiếp tục mua mãi được.

Ông Hiếu cũng không quên nhắc lại đề xuất cách đây 25 năm vẫn chưa thực hiện được, đó là thành lập ngân hàng Việt kiều. Hiện nay, cơ sở pháp lý đã có và ông Hiếu mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để kiều bào thành lập ngân hàng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay thăm hỏi kiều bào (ảnh Nguyễn Quang)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay thăm hỏi kiều bào (ảnh Nguyễn Quang)

Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự tâm huyết, chia sẻ của kiều bào đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Thủ tướng khẳng định, nếu có giải pháp tốt, tăng đầu tư phát triển, tiết kiệm, phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, xóa bỏ mọi rào cản, áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cởi trói về thể chế, thậm chí giảm thuế, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển thì chắc chắn kinh tế đất nước sẽ phát triển.

Theo Thủ tướng, đất nước qua 30 năm đổi mới, phát triển đã đạt những kết quả tốt nhưng chúng ta cũng thấy được những khuyết điểm rất lớn, nhất là quản lý kinh tế xã hội, thể chế phát triển.

“Chúng ta nhận thức được bất cập để có giải pháp mạnh mẽ hơn, càng khó khăn càng đoàn kết, thống nhất, càng có ý chí mãnh liệt cho sự phát triển chứ không phải thấy khó khăn mà chùn bước. Nhìn nhận được khó khăn trước mắt, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trước hết là TPHCM cần có giải pháp cụ thể trên cơ sở lắng nghe những góp ý đầy ý nghĩa của bà con Việt kiều”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Quốc Anh