TP.HCM đứng thứ 4 trong Top các thành phố phát triển nhanh nhất châu Á
(Dân trí) - Ngày 22/5, Bloomberg trích dẫn nghiên cứu của Oxford Economics về “Các thành phố Châu Á phát triển nhanh nhất từ năm 2015 – 2019) cho biết, TP.HCM của Việt Nam đứng vị trí thứ 4 trong 10 thành phố Châu Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất
Ấn Độ là nước có đóng góp lớn nhất, có 6 thành phố của nước này có tốc độ tăng trưởng nhanh trên 6%. Thủ đô Delhi của Ấn Độ đứng đầu danh sách các thành phố tăng trưởng nhanh dự báo trên 8,5%, tiếp sau là hai thành phố khác cũng của Ấn Độ là “thủ đô tài chính” Chennai và thành phố cảng Mumbai.
TP HCM là xếp thứ 4 với tốc độ tăng trưởng trên 7,5%, xếp trên các thành phố còn lại của Ấn Độ và vượt qua các thành phố khác của Trung Quốc như Bắc Kinh.
Theo thống kê của Việt Nam từ Cục thống kê TP HCM, năm 2014, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TPHCM (RGDP) đạt 852.523 tỷ đồng, tăng 9,6%, trong đó, dịch vụ chiếm 59,6%, công nghiệp và xây dựng 39,4%, nông nghiệp 1%. TP HCM hiện đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam, là đầu tầu kinh tế cả nước và là địa bàn thu hút vốn đầu tư số 1 Việt Nam. Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng của TP HCM phấn đấu đạt và vượt mức 9,5%.
Báo cáo cũng cho biết, thành phố - thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng đứng vị trí bét bảng trong 10 thành phố Châu Á, với tốc độ tăng trưởng 6,2%. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra sự tăng trưởng của một số thành phố khác từ nay đến năm 2019 như Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) tăng trưởng lần lượt là từ 5,6% đến 6,1%, Kuala Lumpur (Malaysia) có thể tăng trưởng chậm hơn 5%. Singapore sẽ tăng trưởng vượt qua Hồng Kông (Trung Quốc), trong khi Bangkok (Thái Lan) sẽ tăng trưởng kém hơn 2,6%.
Báo cáo cũng chỉ rõ, tăng trưởng của các thành phố của Trung Quốc trải đều hơn và các thành phố loại hai của nước này sẽ dần dần chiếm vị trí tăng trưởng cao trong thời gian tới như Thượng hải, Hồng Kông.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ rõ sự tăng trưởng nhanh chóng của các thành phố Ấn Độ đi kèm với các vấn đề ô nhiễm, tắc đường ngày càng tồi tệ. New Delhi - thủ đô của Ấn Độ nơi có dân số 16 triệu người là thành phố có mức độ ô nhiễm không nhí nặng nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo nước này nên học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc để cắt giảm tiêu thụ than, giảm phát thải nhà kính và thực hiện tái cân bằng môi trường sống và phát triển.
Theo Bloomberg