TPHCM: Dưa leo 80.000 đồng/kg, rau xanh ở chợ giá tăng chạm đỉnh

Đại Việt

(Dân trí) - Giá rau xanh bán tại các cổng chợ, vỉa hè tại TPHCM tăng đột biến, có nơi gấp 3-4 lần so với ngày bình thường do thiếu hàng. Trái lại, nguồn cung thực phẩm ở các siêu thị khá dồi dào.

TPHCM: Rau xanh ở chợ giá tăng chạm "đỉnh", dưa leo 80.000 đồng/kg

80.000 đồng/kg dưa leo

Sáng 8/7, theo ghi nhận của phóng viên tại chợ Hòa Hưng (quận 10), một số người bán lẻ rau xanh đã tranh thủ "thổi giá" khi nguồn cung mặt hàng này có phần khan hiếm, ít nơi bày bán.

Ngay trước cửa chợ, 3 phụ nữ bán dưa leo, khổ qua, cà rốt, bầu, đậu bắp liên tay đưa hàng cho các bà nội trợ. "Dưa leo 80.000 đồng/kg. Khổ qua, cà rốt, bầu, đậu bắp cũng đồng giá 80.000 đồng/kg. Mua ủng hộ đi", một phụ nữ chào khách. 

TPHCM: Dưa leo 80.000 đồng/kg, rau xanh ở chợ giá tăng chạm đỉnh - 1

Một số người kinh doanh trước cửa chợ Hòa Hưng bán dưa leo, khổ qua với giá 80.000 đồng/kg (Ảnh: Đại Việt).

Khách thắc mắc giá rau đắt hơn mọi hôm, người bán giải thích đầu giờ sáng giá còn 40.000 đồng/kg nhưng đến trưa đã gấp đôi do hàng về không kịp. "Sắp giãn cách rồi nên giá cả tăng mạnh vì không nhập được hàng về", người bán hàng nêu lý do.

Cách cửa chợ Hòa Hưng khoảng 100m, một phụ nữ lớn tuổi bán cà rốt tươi ngon với giá chỉ 30.000 đồng/kg, khổ qua giá 50.000 đồng/kg, dưa leo 40.000 đồng/kg.

TPHCM: Dưa leo 80.000 đồng/kg, rau xanh ở chợ giá tăng chạm đỉnh - 2

Dưa leo 80.000 đồng/kg, tức tăng gấp 4 lần so với ngày thường và tăng gấp 2 lần so với buổi sáng cùng ngày (Ảnh: Đại Việt).

Bà Lưu Thị Dung (ngụ đường Đỗ Thị Lời, quận 3) cho biết, giá rau xanh trong 2 ngày qua tăng chóng mặt. Bình thường, bà mua dưa leo với giá 20.000 đồng/kg, nhưng hôm nay đã tăng 4 lần. "Tôi nghĩ giá tăng chỉ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Ai ngờ, một ký dưa leo 80.000 đồng, quá đắt. Chưa bao giờ tôi thấy dưa leo có giá này", bà Dung nói.

Bà nội trợ này dự tính mua vài ký dưa leo ăn dần nhưng rồi quyết định chỉ mua 0,6kg với giá 48.000 đồng.

TPHCM: Dưa leo 80.000 đồng/kg, rau xanh ở chợ giá tăng chạm đỉnh - 3

Người mua rau không có nhiều lựa chọn vì nguồn cung hạn chế (Ảnh: Đại Việt).

Theo ghi nhận của Dân trí, số quầy hàng bán rau xanh ở nhiều chợ dân sinh không có nhiều như trước, mặt hàng này trở nên khan hiếm, một bộ phận người kinh doanh đã tranh thủ tăng giá. 

Siêu thị không còn đông đúc, nguồn cung dồi dào

Trong khi các điểm kinh doanh rau truyền thống có đông người mua, trong sáng nay, tại nhiều siêu thị đã không còn cảnh người dân đổ xô đi mua hàng.

Tại siêu thị Big C Miền Đông (quận 10), lượng người đến mua sắm giảm mạnh so với ngày 7/7. Khách hàng đến siêu thị khá thưa thớt. Khoảng 4 -5 phút mới có một người mua vào siêu thị từ cổng chính hoặc cổng phụ.

TPHCM: Dưa leo 80.000 đồng/kg, rau xanh ở chợ giá tăng chạm đỉnh - 4

Siêu thị Big C Miền Đông vắng người mua hơn hôm qua rất nhiều (Ảnh: Đại Việt).

Còn tại cửa hàng VinMart+ Hồ Bá Kiện (quận 10), khách đến mua sắm với mật độ vừa phải, không có hiện tượng "đổ xô" vào mua.

Cũng theo ghi nhận, ở siêu thị Aeon Tân Phú (quận Tân Phú) sáng nay, lượng khách đến đây vẫn hơn so với ngày hôm qua. Giá rau củ quả và thịt heo không có biến động so với tuần trước.

TPHCM: Dưa leo 80.000 đồng/kg, rau xanh ở chợ giá tăng chạm đỉnh - 5

Nguồn cung rau củ quả của các siêu thị rất phong phú và không bị đẩy giá lên cao (Ảnh: Đ.V).

Ông Nguyễn Nhơn Quý, đại diện Aeon Việt Nam, cho biết, đơn vị này cũng đã tăng lượng rau củ quả, thịt, cá… phục vụ lên 5-7 lần so với bình thường. Lượng thực phẩm khô tăng 3-4 lần, tất cả đảm bảo không biến động về giá. Một số sản phẩm thịt còn được bán với giá ưu đãi - đại diện siêu thị cho hay.

"Ngày 8/7, siêu thị Aeon Tân Phú đã chủ động tăng lượng thịt tươi sống như heo, bò, gà… gấp 3 lần so với ngày hôm qua. Những mặt hàng thịt được khách mua nhiều siêu thị sẽ tăng số lượng lên gấp 7 lần", ông Quý nói.

TPHCM: Dưa leo 80.000 đồng/kg, rau xanh ở chợ giá tăng chạm đỉnh - 6

Hàng hóa được các siêu thị tăng cường liên tục (Ảnh: Đ.V).

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho rằng, việc các chợ đầu mối lớn của thành phố như Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức tạm ngừng hoạt động đã khiến việc mua sắm của người dân gặp không ít khó khăn. Hiện tại, thành phố đã có 127/327 chợ phải tạm ngừng hoạt động.

Khi kênh phân phối truyền thống (chiếm 60 - 70% lượng cung ứng thực phẩm) bị ảnh hưởng đã khiến kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện lợi chịu thêm nhiều áp lực.

Sở Công Thương TPHCM cho rằng, trong vài ngày qua, nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng khoảng 15% so với trước.