1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM: Chủ xe ô tô gọi “cháy máy” cho bảo hiểm sau bão số 9

(Dân trí) - Cơn bão số 9 (Usagi) đã “ngâm nước” hàng ngàn chiếc ô tô trên các tuyến đường tại TPHCM. Chính vì vậy, nhu cầu về bảo hiểm của các chủ xe cũng tăng vọt.

Anh Ngô Văn Toàn (ngụ quận Thủ Đức) cho biết, thời điểm xảy ra cơn mưa tầm tã do bão Usagi (25/11) thì anh đang điều khiển chiếc Vios về chung cư trên đường số 30, phường Linh Đông. Mưa to khiến các con đường gần chung cư ngập lênh láng. Khi chiếc xe đang lội nước và chỉ còn cách hầm chung cư vài chục mét thì đột nhiên chết máy.

“Tưởng còn ít bước chân nữa là đến nhà an toàn, ai ngờ đâu xe lại “chết” tức tưởi. Mấy xe ô tô khác cũng chết máy rồi dừng gần xe tôi luôn”, anh Toàn nói.


Cơn bão số 9 (Usagi) đã “ngâm nước” hàng ngàn chiếc ô tô trên các tuyến đường tại TPHCM.

Cơn bão số 9 (Usagi) đã “ngâm nước” hàng ngàn chiếc ô tô trên các tuyến đường tại TPHCM.

Theo anh Toàn, ngay sau đó, anh đã kéo kính xuống để chui ra khỏi xe và thông báo tình hình cho nhân viên bảo hiểm. Hôm sau, xe anh được kéo đến một garage ô tô tại quận 2 để bảo dưỡng, vệ sinh với chi phí hơn 5 triệu đồng. Nhân viên công ty bảo hiểm thông báo sẽ thanh toán cho anh Toàn khoảng 80% số tiền thiệt hại.

Cũng như anh Toàn, nhiều chủ xe khác cũng đang đưa xe đến các trung tâm dịch vụ, garage để chăm sóc xe cũng như sửa chữa những hư hỏng sau cơn bão.

Đại diện Công ty Bảo hiểm Liberty chia sẻ, sau cơn bão Usagi, công ty bảo hiểm này đã tiếp nhận gần 1.000 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ từ phía khách hàng. Phần lớn là khách yêu cầu cứu hộ và hỗ trợ thông tin. Đây là con số yêu cầu “kỷ lục” trong thời gian qua.

Đến chiều 28/11, bảo hiểm Liberty ghi nhận đã có 116 trường hợp xe bị ngập nước và vẫn tiếp tục thống kê con số tổn thất của khách hàng. Toàn bộ nhân viên chăm sóc khách hàng và nhân viên giám định cũng đã được huy động phục vụ sau bão.

Cũng theo đại diện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tại TPHCM thì tổn thất của cơn bão số 9 với thị trường bảo hiểm là không hề nhỏ.

Một chiếc taxi bị nước tràn vào bên trong.
Một chiếc taxi bị nước tràn vào bên trong.

Thống kê sơ bộ cho thấy, riêng thiệt hại của xe cơ giới cũng phải lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhân viên của các công ty bảo hiểm phải liên tục thay phiên “trực chiến” 24/24. Đa phần các yêu cầu của khách hàng đều liên quan đến ô tô ngập nước, chỉ một số ít là sự cố về tai nạn, va quẹt. Các nhân viên giám định đều phải hoạt động “hết công suất”.

“Công ty tôi đang cùng các garage kiểm tra xe cho khách để xem xe bị ngập nước cần làm vệ sinh máy hay là bị thủy kích (nước tràn vào đường hút gió của máy). Nếu bị ngập và phải làm vệ sinh, trung bình chi phí sửa chữa khoảng vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, còn bị thủy kích thì thiệt hại sẽ nặng hơn rất nhiều”, đại diện một công ty bảo hiểm nói.

Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp này, ước tính chi phí ban đầu doanh nghiệp phải trả cho các chủ xe khoảng hơn 4 tỷ đồng.

Lượng xe ô tô đến “cầu cứu” các điểm chăm sóc xe, bảo dưỡng tăng vọt sau bão.
Lượng xe ô tô đến “cầu cứu” các điểm chăm sóc xe, bảo dưỡng tăng vọt sau bão.

Đại diện các công ty bảo hiểm cũng cho biết, các doanh nghiệp sẽ thanh toán phí bảo hiểm cho khách hàng chậm nhất là 15 ngày, tính từ ngày khách hàng hoàn tất các thủ tục.

Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có lời khuyên dành cho khách hàng đi xe ô tô vào vùng ngập nước và bị chết máy như sau: đầu tiên, tài xế phải thật sự bình tĩnh không khởi động máy lại với bất cứ lý do gì, thậm chí xe có thể đề máy lại cũng không được phép.

Tài xế không nên mở cửa xe cho dù mực nước chưa tới cửa vì sóng nước của xe ngược chiều sẽ tràn vào. Đối với xe hộp số tự động gạt về số N, tắt công tắc, đẩy xe vào nơi cao nhất chờ cứu hộ. Nếu có thể, tài xế nên tháo ngay cọc bình và lọc gió của động cơ bỏ hẳn ra ngoài.

Đại Việt – Công Quang

TPHCM: Chủ xe ô tô gọi “cháy máy” cho bảo hiểm sau bão số 9 - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm