TPHCM: Bất động sản "bủa vây" các tuyến đường huyết mạch

(Dân trí) - Hàng loạt dự án bất động sản đang được xây dựng rầm rộ trên những con đường “huyết mạch” của TPHCM. Điều này đang tạo nên áp lực giao thông rất lớn ở khu vực nội đô thành phố.

TPHCM đang có tình hình giao thông phức tạp do lượng phương tiện tăng mạnh theo từng năm. Hiện tại, thành phố có khoảng gần 8 triệu phương tiện, đây có thể nói là con số “khổng lồ”.

Lượng phương tiện tại các tuyến đường nội đô tăng nhanh một phần do cư dân của nhiều dự án bất động sản đang tập trung về các tuyến đường huyết mạch. Điển hình như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), khu vực đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)…

Người tham gia giao thông bị bức tử bởi quá nhiều dự án nhà chung cư 2 bên đường
Người tham gia giao thông bị "bức tử" bởi quá nhiều dự án nhà chung cư 2 bên đường

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt dự án bất động sản “khủng” đang xây dựng trên đường Phổ Quang, Hoàng Minh Giám, Hồng Hà (quận Phú Nhuận)... Đây là những tuyến đường quan trọng cho xe lưu thông hướng về sân bay Tân Sơn Nhất.

Chính vì vị trí đẹp nên các chủ đầu tư luôn tận dụng từng centimet đất để xây dựng, tạo nên một không gian bức bí và ngột ngạt. Bên cạnh những con đường nhỏ hẹp là những tòa nhà “khổng lồ” cao vài chục tầng, dựng đứng.

Nhiều dự án “khủng” đang xây dựng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất phải kể đến là dự án SkyCenter (Phổ Quang) với 4 block cao 16 tầng, dự án này có hơn 850 căn hộ và office-tel. Dự án Golden Mansion kéo dài 200m trên mặt đường Phổ Quang. Khi hoàn thành, Golden Mansion sẽ bàn giao khoảng hơn 700 căn hộ, nhà phố. Hay như dự án Garden Gate trên đường Hoàng Minh Giám cao 21 tầng với 272 căn hộ…

Hình ảnh thường thấy ở khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất
Hình ảnh thường thấy ở khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất

Như vậy, chỉ mới tính riêng vài dự án đã có gần 2.000 căn hộ và nhà phố mới trong tương lai, chưa kể hàng loạt dự án khác đang xây dựng quanh khu vực Tân Sơn Nhất. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn về giao thông, khi mà diện tích mặt đường không thể mở rộng hơn trong “một sớm một chiều". Trong khi đó, lượng cư dân đổ về sẽ ngày càng đông đúc.

Chung “số phận” với khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) cũng đang bị những chung cư “chọc trời” bao vây. Dọc trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ có rất nhiều tòa chung cư xếp thành hàng dài từ cầu Kênh Tẻ kéo dài xuống đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Chỉ tính riêng đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến giao lộ Nguyễn Thị Thập kéo dài khoảng gần 1km đã có khoảng vài chục block chung cư cao chót vót. Rất nhiều dự án lớn nhỏ đã “đổ bộ” về đây như Park Vista, Sunrise City View, The Park Residence, Dragon Hill 2, Kiến Á, Hưng Phát Silver Star... khiến khu vực này trở nên chật chội. Tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ vì mật độ dân số dày đặc và lượng phương tiện tăng quá cao.

Mật độ chung cư dày đặc 2 bên đường Hồng Hà, quận Phú Nhuận
Mật độ chung cư dày đặc 2 bên đường Hồng Hà, quận Phú Nhuận

Khu vực đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) cũng không là một ngoại lệ. Đoạn đường này dài chưa đầy 2 km nhưng có hàng chục chung cư và rất nhiều nhà cao tầng đang xây dựng. Điển hình như: dự án Rosena Bình Thạnh cao 18 tầng với 98 căn hộ, dự án Samland Riverside cao 19 tầng với 138 căn hộ, dự án Elite Park cao 22 tầng với 208 căn hộ…

Theo nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị tại TPHCM, tốc độ phát triển các dự án bất động sản đang bỏ lại hạ tầng giao thông phía sau một khoảng cách xa. Nhiều con đường vốn đã ùn tắc từ lâu sắp phải chịu áp lực rất lớn từ hàng chục chung cư, cao ốc đang “mọc” lên, gắn với những tòa nhà đó là hàng ngàn cư dân mới, kéo theo hàng ngàn phương tiện.

TPHCM: Bất động sản "bủa vây" các tuyến đường huyết mạch - 4
Theo nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị tại TPHCM, tốc độ phát triển các dự án bất động sản đang bỏ lại hạ tầng giao thông phía sau một khoảng cách xa
Theo nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị tại TPHCM, tốc độ phát triển các dự án bất động sản đang bỏ lại hạ tầng giao thông phía sau một khoảng cách xa

Cũng theo các chuyên gia, đây là hệ quả của việc cấp phép dự án đi ngược với quy trình. Thay vì cấp phép theo hạ tầng hiện hữu thì các cơ quan, ban ngành lại đang cấp phép dựa trên quy hoạch hạ tầng tương lai và nhiều khi hạ tầng ấy mới chỉ nằm trên giấy.

Quy trình lạ lẫm này đã kéo theo nhiều hệ lụy nhãn tiền như ùn tắc giao thông xảy ra triền miên, mật độ dân số nhiều khu vực đã quá dày đặc, lượng phương tiện tăng lên chóng mặt.

Công Quang