TP. HCM dự kiến giữ 50% mức thu từ quỹ đất để đầu tư trở lại
(Dân trí) - Đó là một trong những điều nằm trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP. HCM do Bộ Tài chính xây dựng.
Cụ thể, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong cuộc họp ngoài giờ với Thành ủy, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM rằng: “Về cơ chế mức thu của đầu tư trở lại, trên cơ sở thành phố được giữ 50% tiền thu từ quỹ đất gắn với tài sản quỹ đất của cơ quan Trung Ương (TW), đơn vị sự nghiệp và của cơ quan quốc phòng an ninh sử dụng đất công trên địa bàn, 50% còn lại sẽ nộp về TW”.
Thêm nữa, theo dự thảo, ngoài điều chỉnh phạm vi đối tượng áp dụng, thì có những nội dung gồm công tác quản lý quy hoạch đất đai, công tác quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, trong quản lý tài chính ngân sách thì có những việc giao cho Hội đồng Ủy ban nhân dân thành phố trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các loại thuế, chính sách thuế, phí thí điểm, các mức phí, thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn, thuế phí lệ phí ngoài danh mục và mức tăng cao hơn mức đang áp dụng hiện hành trong khung cho phép.
“Và tinh thần chung là những khoản tăng thêm sẽ để lại cho ngân sách thành phố 100%, theo dự thảo là như vậy nhưng còn để nghiên cứu”, ông Dũng cho hay.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng quy định về mức cho vay địa phương. “Theo quy định của luật ngân sách là 60% số thu cân đối, theo Nghị định 48 Chính phủ triển khai Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì đưa ra con số là 70%, trong nghị quyết này, chúng tôi đang dự kiến là 90%”, ông Dũng nói và thêm rằng tất nhiên là phải trong tình huống thế nào, mức bội chi hàng năm cũng như tổng trần nợ công quốc gia ra sao.
Về thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức TP. HCM quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng vấn đề áp dụng luật cũng nên rà soát thêm, đặc biệt những vấn đề phân cấp ủy quyền đất đai, đầu tư, xây dựng.
Tất nhiên trong Nghị quyết Quốc hội về nguyên tắc chung thì còn một số nội dung nữa cần tiếp tục rà soát, xoay quanh luật của Thành phố, ông Dũng cho hay. Nghị quyết này sẽ sớm trình Quốc hội.
Cụ thể, ông Dũng cho biết ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cách đấy mấy hôm và kết luận của Bộ Chính trị từ hôm 24/10 thì cuối tuần trước Bộ Tài chính đã thành lập ban soạn thảo và tổ giúp việc để cùng phối hợp với một số đại biểu các ngành, xây dựng dự thảo Nghị quyết và đã gửi để xin ý kiến trong TP.HCM lần 1 và cũng đã có ý kiến phản hồi.
Theo đó, Nghị quyết đã đi vào dự thảo lần 2, sau hội nghị ngày hôm nay sẽ tiếp tục hoàn chỉnh để xin ý kiến chính thức của các bộ ngành TW cũng như ý kiến Bộ Tư pháp và cũng sẽ trình thủ tướng sớm nhất.
“Chúng tôi cũng đã báo cáo với Quốc hội rằng xin báo cáo vào cuối kỳ họp vì còn nhiều khâu như xây dựng, thẩm định, lấy thành viên Chính phủ, sau đó Chính phủ phải thảo luận, sau khi nhất trí rồi mới giao cho Bộ trưởng Bộ tài chính trình lên Thành phố, lúc đó mới trình được lên Quốc hội nhưng sẽ phấn đấu sẽ xong trong kì họp này. Đúng ra phải kèm theo Nghị định Chính phủ để triển khai việc này nữa nhưng chúng tôi đang tiến hành song song. Những nội hàm chính đã đưa vào Nghị quyết nên sau này Nghị định sẽ làm rất nhanh”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. HCM cũng đồng tình với ông Dũng và cho biết cuối tuần vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã mời đại diện Tp. HCM để trao đổi, bàn bạc trên tinh thần đón trước kết luận của Bộ Chính trị bằng văn bản còn nội dung thì đã biết rồi. Thành viên trong tổ công tác của TP. Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện tốt nhất. Đó là hành động vì mục tiêu phát triển của thành phố, của đất nước.
“Chúng tôi cũng có trao đổi trước, khi đi từ khái quát đến cụ thể thực tiễn thành phố thì có thể chia sẻ tình hình đang hoạt động để có biện pháp làm sao để có sự thay đổi, tuy nhiên cũng không được đảo lộn hệ thống trong những năm qua”, ông Nhân nhấn mạnh.
Hồng Vân