Tổng kiểm tra chất lượng dịch vụ điện thoại di động
Gần đây, chuyện nghẽn mạch đã trở lên phổ biến ở các mạng di động dù các nhà cung cấp đã dốc không ít tiền của để đầu tư. Để sốc lại tình hình, Bộ Bưu chính Viễn thông bắt đầu mở chiến dịch kiểm tra chất lượng mạng và đơn vị đầu tiên được tiến hành là Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel).
Ngày làm việc đầu tiên tại Viettel (2/8), Cục quản lý Chất lượng Bộ Bưu chính Viễn thông đã thực hiện được gần 100 mẫu thử trên tổng số 1.200 mẫu ở nhiều thời điểm khác nhau (cao điểm, thấp điểm...). Nơi đầu tiên được đo là một số điểm ở khu vực nội thành Hà Nội và khu vực giáp ranh như Gia Lâm, Thanh Trì...
Những chỉ tiêu chất lượng mà Bộ Bưu chính Viễn thông đặt ra trong quá trình kiểm tra bao gồm các thông số như tỷ lệ cuộc gọi thành công, rớt sóng, chất lượng thoại, độ chính xác ghi cước, tỷ lệ thời gian đàm thoại bị ghi cước sai, độ chính xác cước và lập hóa đơn, khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ; tiếp nhận khiếu nại, tỷ lệ khiếu nại và dịch vụ hỗ trợ khách hàng.
Theo một số chuyên gia kỹ thuật đi theo đoàn, mỗi lần kiểm tra như thế này thường mất khoảng 10-15 ngày. Những mẫu thử này đem về xử lý và cũng phải mất thời gian tương đương mới có thể công bố được kết quả. Sau Viettel, Cục quản lý chất lượng sẽ kiểm tra tiếp các doanh nghiệp viễn thông khác, kết quả thu được sẽ thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ biết chất lượng mạng của họ thế nào, điểm nào có vấn đề và cần đầu tư. Bên cạnh kiểm tra chất lượng mạng, Bộ Bưu chính Viễn thông cũng chuẩn bị ban hành định mức đo kiểm chất lượng và quy định cụ thể mức phí cho mỗi lần đo kiểm.
Hiện nay, 3 trong số 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động là VinaPhone, MobiFone và S-Fone đã đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Riêng Viettel cho rằng, do mới cung cấp dịch vụ nên vẫn chưa đăng ký.
Theo VnExpress