Tổng giám đốc WTO sẽ nói chuyện với doanh nghiệp Việt Nam
Theo lời mời của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), ngày 15/11, Ông Pascal Lamy - Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ có buổi nói chuyện với các doanh nghiệp Việt Nam trong tuần lễ cấp cao APEC.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Giám đốc ABAC chiều qua (10/11) đã xác nhận tin này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể hiểu hơn về WTO khi Việt Nam vừa chính thức là thành viên tổ chức này; đồng thời, cũng thấy được những thách thức, thuận lợi do hội nhập mang lại, từ đó có sự chuẩn bị kỹ càng.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, hoạt động của ABAC trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC rất sôi động, như tham gia Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam (Doing Business with Vietnam Forum 2006), Hội nghị các tổng giám đốc APEC (CEO Summit 2006), đối thoại với các lãnh đạo APEC...
Hai diễn đàn kinh tế quan trọng:
Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam: diễn ra ngày 16/11, có 4 phiên họp, với sự tham gia của 27 diễn giả. Đây là cơ hội để giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tại đây, các học giả, nhà lập pháp và doanh nghiệp cũng góp ý cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận lời khai mạc diễn đàn, với sự tham gia của các Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, KH-ĐT, Tài chính, Thương mại.
Hội nghị CEO Summit: diễn ra 17 - 18/11 cũng có tới 15 phiên họp, với 44 diễn giả. Đến thời điểm này, đã có 12 nguyên thủ quốc gia nhận lời mời tham dự và có bài phát biểu, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Australia John Howord... |
Trong khi doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (96%), chỉ 4% là các doanh nghiệp vừa, tập trung chủ yếu là các tổng công ty nhà nước và chúng ta chưa có đại gia. Do vậy, sự có mặt của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam lần này là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ sự hợp tác, giúp doanh nghiệp Việt Nam có tầm nhìn xa hơn hoặc có thể mở ra hướng đầu tư mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Khuyến nghị lên APEC 9 điểm
Cũng nhân dịp này, ABAC sẽ đệ trình lên lãnh đạo APEC khuyến nghị 9 điểm. Trong đó, ưu tiên hàng đầu của ABAC là kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC đi đầu trong việc đưa ra các sáng kiến nhằm nối lại vòng đàm phán Doha và tiến tới giải quuết các vấn đề vướng mắc; tập trung, nỗ lực đàm phán, củng cố những điểm đã đạt được về nông nghiệp, dịch vụ, thuế quan... nhằm sớm kết thúc vòng đàm phán.
Ngoài ra, ông Dũng tiết lộ thêm, vấn đề năng lượng cũng sẽ được đề cập. ABAC kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC có biện pháp ứng phó với sự mất cân đối về năng lượng và bất ổn về giá dầu. Trong đó, chú trọng biện pháp đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, biogas... và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn năng lượng hiện có.
Một trong những vấn đề quan trọng khác mà ABAC lo ngại, đó là việc xuất hiện ngày càng nhiều các thoả thuận tiểu khu vực và song phương, làm cho hoạt động thương mại phức tạp hớn và tốn kém.
Tính đến thời điểm này đã có ít nhất 21 hiệp định song phương, đa phương giữa các thành viên trong khu vực đã được ký kết, dự kiến thời gian tới sẽ có thêm 17 hiệp định nữa. Vì vậy, ABAC cho rằng cần có một thoả thuận Khu vực mậu dịch tự do (FTAAP), tuy hiện còn quá nhiều khó khăn đối với việc đàm phán để đạt được thoả thuận mang tính toàn khu vực như vậy.
ABAC cũng khuyến nghị thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại, phát triển khu vực tư nhân, củng cố hệ thống tài chính, thúc đẩy sáng tạo công nghệ, quan hệ hợp tác với APEC...
Trong vai trò là chủ nhà APEC 14, Việt Nam đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc giảm 5% chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đơn giản hoá thủ tục hải quan, chống tham nhũng, cấp thẻ đi lại tự do cho doanh nhân APEC. Những khuyến nghị này đều được lãnh đạo APEC ghi nhận và thực hiện.
Theo Hà Yên
Vietnamnet