Tổng giám đốc Keangnam “tố ngược” cư dân

Liên quan đến vụ việc cư dân "quây" công ty quản lý chiều 3/12, ông Ha Jong Suk, Tổng giám đốc Keangnam, cho biết sẽ gửi công văn đến công an Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tổng giám đốc Keangnam “tố ngược” cư dân - 1
Ông Ha Jong Suk, Tổng giám đốc của Keangnam Vina

 

Thời gian gần đây, Keangnam là trung tâm của mọi sự chú ý khi liên tục để xảy ra những vụ lùm xum xoay quanh mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư. Chiều qua, trước khi bước vào cuộc đàm phán với cư dân, ông Ha Jong Suk, Tổng giám đốc của Keangnam Vina đã chính thức lên tiếng với báo giới.

 

Keangnam Vina bắt đầu thu phí quản lý của cư dân từ khi nào? Chủ đầu tư có thu được lợi nhuận từ mức phí quản lý hiện tại hay không?

 

Keangnam được bàn giao từ tháng 3/2011, đến nay đã có 780 căn hộ chuyển vào sinh sống. Từ khi bàn giao, chúng tôi luôn thực hiện theo phương án hòa đồng thân thiện. Sau nhiều lần thỏa thuận, chúng tôi đã miễn hoàn toàn phí quản lý từ tháng 3 đến tháng 7/2011.

 

Bắt đầu từ tháng 8, các hộ dân mới phải đóng phí với mức 17.130 đồng/m2. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi mới chỉ thu được 3 tháng. Đến tháng 9, UBND thành phố Hà Nội mới ra công văn 4520 có quy định rõ về hạng mục công việc được cung cấp như thế nào trong đó có quy định mức phí trần 4.000 đồng/m2.

 

Khi đưa ra mức phí đóng cho tháng 10, tháng 11, cư dân đã thống nhất là 17.130 đồng/m2. Trong số 780 căn hộ đã vào ở thì có 320 căn hộ chưa đóng phí quản lý.

 

Chúng tôi và Ban đại diện cư dân (BĐDCD) đã trao đổi rất nhiều lần. Trong quy định 4520 ghi rõ, nếu có thêm một số hạng mục cung cấp khác thì đôi bên tự thỏa thuận với nhau để đưa ra mức phí thích hợp.

 

Chủ đầu tư không thu được chút lợi nhuận nào từ mức phí quản lý hiện tại. Đó là mức phí tối thiểu để chúng tôi trả công cho Công ty quản lý Chestnut.

 

Tại sao chủ đầu tư không sớm thỏa thuận với cư dân về mức phí quản lý. Cư dân cho rằng chủ đầu tư đang “ép” cư dân đóng khoản phí quá đắt và phi lý?

 

Chúng tôi đã giải thích rất rõ với cư dân về mức phí. Trong hợp đồng cũng quy định, công ty quản lý phải có kinh phí mới vận hành được. Chúng tôi là chủ đầu tư bị kẹt ở giữa. Nếu cư dân không đồng ý mức phí hiện tại thì cư dân có thể lựa chọn ban quản lý khác.

 

Để quá trình chuyển giao được thuận lợi, chúng tôi đề nghị cư dân đóng tiền trong 2 tháng là tháng 10 và tháng 11 để Công ty quản lý cũ phải tiếp tục thực hiện hoạt động quản lý vận hành bình thường trước khi chuyển giao. Một tòa tháp lớn như thế, không thể không có quản lý trong một hay hai ngày được.

 

Công ty quản lý chỉ là người làm công, họ không thể làm không công nếu không có kinh phí tối thiểu. Sau khi thỏa thuận với cư dân, chúng tôi đã hạ mức phí xuống một lần rồi, nếu cư dân vẫn tiếp tục không chấp thuận mức phí này thì Chestnut  không thể làm việc được. Không có lợi nhuận thì doanh nghiệp không thể vận hành. Khi không thể vận hành, sẽ buộc phải cắt giảm bớt dịch vụ.

 

Từ tháng 8 đến tháng 10, chúng tôi mới chỉ thu được mức phí của các hộ dân chưa đến 300.000 USD, trong khi đó, thực tế chi phí sử dụng lên đến 800.000 USD. Một con số lỗ không hề nhỏ. Chúng tôi chỉ yêu cầu họ đóng trong hai tháng tới, cư dân chịu khó một chút, chúng tôi sẽ gánh vác khó khăn này.

 

Chúng tôi cũng không thể đứng về phía cư dân ép công ty quản lý đang lỗ mà vẫn vận hành được. Khi bị lỗ liên tục, họ sẽ buộc phải cắt giảm dịch vụ, không thể có chuyện doanh nghiệp nhận tiền ít nhưng lại phải cung cấp dịch vụ lớn.

 

Quan điểm của chúng tôi là không bao giờ ép người dân phải đóng ở mức phí 17.130 đồng như hiện nay. Chúng tôi chỉ mong muốn nếu cư dân không đồng ý vận hành với mức phí này thì sẽ đổi sang công ty mới, trong thời gian như thế, cư dân tạm thời đóng mức đó để mọi hoạt động được vận hành bình thường.

 

Keangnam Vina có chấp nhận BĐDCD hiện tại đứng ra làm việc với chủ đầu tư về các vấn đề của chung cư hay không? Tại sao Keangnam lại chọn một công ty Hàn Quốc làm đơn vị quản lý?

 

Hiện, BĐDCD mới chỉ là BĐD lâm thời chứ Ban quản trị chính thức của cư dân chưa thực sự hình thành. Trong số cư dân chỉ có 1 số nhỏ muốn đóng ít tiền đi, bộ phận còn lại không quan tâm đến chi phí mà chỉ muốn dịch vụ cao cấp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở 1 hội nghị toàn cư dân để thành lập Ban quản trị, chứ không thể để tình trạng thiểu số nêu ý kiến như thế này được.

 

Chủ đầu tư nghĩ tới độ an toàn trong 1 tòa nhà quy mô, tiên tiến, do vậy mới chọn công ty quản lý  từ Hàn Quốc sang chứ không phải của Việt Nam bởi họ có kinh nghiệm lâu năm vận hành các tòa nhà hiện đại sẽ giúp quá trình vận hành ít thiếu sót và sự cố hơn. 

 

Trong thời gian tới, công ty quản lý sẽ làm tạm trong 2 tháng, trước khi có công ty quản lý mới do cư dân chọn ra, do vậy chúng tôi phải cắt giảm bớt dịch vụ, tạo ra sự công bằng giữa các căn hộ đã tất toán phí quản lý và căn hộ chưa đóng.

 

Ngoài hạn chế quyền sử dụng thang máy của những hộ chưa đóng phí hôm 3/12, cư dân phản ánh có trường hợp đã đóng tiền điện đầy đủ vẫn bị cắt, ông giải thích thế nào về chuyện này?

 

Những trường hợp chưa đóng phí dịch vụ, sẽ bị hạn chế sử dụng thẻ từ thang máy. Trường hợp cắt điện cắt nước là do bên cung ứng điện nước thực hiện.

 

Còn việc cắt điện, nước vừa qua nước là do cư dân không đóng tiền thì bên cung ứng điện, nước cắt, chứ chủ đầu tư không cắt.

 

Vừa rồi có tiến hành cắt điện, nước những căn hộ chưa đóng tiền. Do cắt một loạt nên có thể nhân viên cắt nhầm cả những căn hộ đã đóng.

 

So sánh với các chung cư cao cấp khác tại Hà Nội thì mức phí khoảng 17000 đồng/m2  chưa kể thuế giá trị gia tăng là quá cao, ông giải thích thế nào về con số này?

 

Phí quản lý không có bậc thang cố định nào, mỗi dự án có quy mô, thiết kế khác nhau. Tại Keangnam có trang thiết bị đầu tư tối tân hiện đại như hệ thống CCTV, bãi đỗ xe, khu công cộng, các tầng đều có hệ thống camera, sân tennis...nên phải có mức phí cao hơn.

 

Tại sao phải đến thời điểm này, khi báo chí phản ánh liên tục về các bất đồng giữa cư dân và chủ đầu tư, Keangnam Vina  mới tổ chức cuộc gặp gỡ với cư dân?

 

Là nhà đầu tư nước ngoài nên chúng tôi rất e ngại việc phát ngôn trước công chúng do khác biệt ngôn ngữ có thể dễ gây hiểu lầm. Chúng tôi luôn quan niệm thực hiện đúng quy định của pháp luật của Việt Nam nên cây ngay không sợ chết đứng. Như tiền phí đỗ ô tô chúng tôi đang thu 850.0000 đồng/tháng, xe máy là 45.000 đồng/tháng, nhưng thực tế số tiền này không đủ vận hành với hệ thống trang thiết bị như hiện tại.

 

Bà Trịnh Thúy Mai, trưởng ban đại diện cư dân cho hay, lời cáo buộc của ông Ha Jong Suk là vu khống. Không có chuyện cư dân Keangnam nhốt ban quản lý cũng như có động thái hành hung lãnh đạo Keangnam. Theo bà Mai, bị cắt dịch vụ thang máy, cư dân không thể về được nhà đã kéo vào chật kín phòng của ban quản lý. Cư dân yêu cầu chủ đầu tư cung cấp lại dịch vụ để người già và trẻ em có thể về nhà. "Nhốt là phải khóa cửa, không cho ra khỏi phòng. Chúng tôi không làm vậy, nên không thể có chuyện nói cư dân nhốt ban quản lý", bà Mai khẳng định.

Ông nghĩ sao về  hành động phản ứng của cư dân khi Công ty quản lý cắt thang máy chiều 3/12 vừa qua?

 

Chúng tôi sẽ gửi công văn đến công an Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc để bảo vệ quyền lợi của mình. Cư dân đã nhốt 5 người Hàn Quốc của Chestnut ngay tại chính văn phòng, khóa cửa còn cư dân đứng bên ngoài uống rượu, nói chuyện. Đến 19h, khi công an khu vực đến giải quyết, cư dân vẫn không thả người.

 

Nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư từ 2008 đến nay, trải qua khủng hoảng kinh tế. Chúng tôi mang số tiền lớn vào đầu tư và đã phải chịu nhiều tốn thất, nhưng là công trình trọng điểm của thành phố nên vẫn giữ tiến độ thi công như cam kết. Tôi không hiểu tại sao người dân không thông cảm cho chúng tôi, lại chỉ 1 việc như vậy mà nhốt vào đe dọa chúng tôi.

 

Người dân đề nghị tạm đóng ở mức 4.000 đồng /m2 trước khi có thỏa thuận về mức phí chính thức với chủ đầu từ. Phía Keangnam Vina có thể đáp ứng được đề nghị này trong thời gian tới hay không?

 

Nếu cư dân muốn đóng ở mức 4.000 đồng, Công ty quản lý đang thực hiện sẽ không cung cấp được. Với 4.000 đồng thì chưa đủ phí để vận hành 10 cái thang máy chứ chưa kể các tiện ích khác. Thử hỏi nếu đi làm công mà trả lương thấp thì có làm tốt được không?

Chúng tôi sẽ cho cư dân tự chọn công ty quản lý khác có thể đáp ứng được mức phí như cư dân mong muốn, nhưng trong thời gian đó, người dân vẫn phải đóng mức phí mà công ty quản lý hiện tại yêu cầu.

 

Nguyên tắc cơ bản là nhận được tiền ở mức bao nhiêu thì dịch vụ như thế, nếu người dân không chịu đóng phí thì chuyện cắt bớt dịch vụ là chuyện khó tránh khỏi. Công ty quản lý và chủ đầu từ không thể thể tiếp tục gánh lỗ trong việc vận hành tòa nhà này liên tục. Nếu từ đầu tuần tới, cư dân  không đóng phí quản lý thì chúng tôi buộc phải ngừng thang máy.

 

Cảm ơn ông!

 

Theo Minh Tùng

Báo Đất Việt