Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT): Tăng cường hợp tác để phát triển

Với việc xác định rõ những mục tiêu, nhằm nâng cao hiệu suất lao động của cán bộ công nhân viên, nâng cao năng lực truyền tải điện, trong thời gian qua, lãnh đạo Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư nghiên cứu để tìm ra các mô hình hợp lý áp dụng cho hoạt động của đơn vị nhằm hướng đến mục tiêu trở thành công ty top đầu ở khu vực châu Á.

Với việc xác định rõ những mục tiêu, nhằm nâng cao hiệu suất lao động của cán bộ công nhân viên, nâng cao năng lực truyền tải điện, trong thời gian qua, lãnh đạo Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư nghiên cứu để tìm ra các mô hình hợp lý áp dụng cho hoạt động của đơn vị nhằm hướng đến mục tiêu trở thành công ty top đầu ở khu vực châu Á.

Nhiều nỗ lực để hiện đại hóa lưới điện

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường, tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) hiện nay của Tổng Công ty đã gần bằng tỷ lệ TTĐN của các nước tiên tiến. Về tổng thể, việc truyền tải cao trên ĐZ 500kV Bắc - Nam trong các năm qua mặc dù gây TTĐN cao trên lưới điện truyền tải nhưng đã tạo điều kiện khai thác hiệu quả các nguồn thủy điện, huy động hợp lý các nguồn nhiệt điện than giá rẻ tại khu vực miền Bắc để bảo đảm cấp điện ổn định cho miền Nam.


Đoàn công tác EVNNPT chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, đại diện các ban chức năng của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), Công ty Lưới điện TEPCO (TEPCO Power Grid), Công ty Phát triển hạ tầng mạng lưới Nhật Bản (TTNI).

Đoàn công tác EVNNPT chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, đại diện các ban chức năng của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), Công ty Lưới điện TEPCO (TEPCO Power Grid), Công ty Phát triển hạ tầng mạng lưới Nhật Bản (TTNI).

Theo ông Đặng Phan Tường, để hạn chế TTĐN, về lâu dài, các vùng miền phải được cân đối đủ nguồn phát điện, hệ thống lưới điện truyền tải được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại hơn. Khi đó mục tiêu đạt giảm tỷ lệ TTĐN của lưới điện truyền tải cao áp xuống còn 1,8% năm 2020 hoặc thấp hơn nữa vào các năm sau mới khả thi.

“Với nhận thức TTĐN là một chỉ tiêu hết sức quan trọng đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh, trong các năm qua, EVNNPT đã có sự cố gắng nỗ lực rất lớn, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp về quản lý kỹ thuật, vận hành, đầu tư xây dựng, quản lý đo đếm và giao nhận điện năng… để đạt kết quả thực hiện tốt nhất đối công tác này”, Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết.

Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch EVNNPT giao, các công ty truyền tải điện đã xây dựng và giao chỉ tiêu TTĐN cho các truyền tải điện khu vực xây dựng kế hoạch quản lý tổn thất chi tiết cho từng ĐZ và máy biến áp (MBA) để theo dõi, quản lý, từ đó có số liệu cụ thể để phân tích đánh giá phân tách rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan làm tăng giảm TTĐN của lưới khu vực và từng đối tượng hàng ngày.

Các công ty truyền tải điện, Ban Quản lý dự án các công trình điện cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố lưới điện, không để lặp lại sự cố tương tự, tìm và xử lý nhanh sự cố để khôi phục chế độ vận hành, bảo đảm các sự cố thoáng qua được tự động đóng lại thành công; củng cố, nâng cao chất lượng công tác lập, duyệt phương án thi công, phối hợp tốt giữa các đơn vị trong việc cắt điện thi công công trình mới kết hợp với sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm lưới điện để hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt điện kể cả đối với lưới điện của các công ty điện lực, đặc biệt trong các giờ cao điểm; ưu tiên bố trí cắt điện thi công trong các ngày nghỉ, thời điểm phụ tải thấp.

Theo các chuyên gia kinh tế, nâng cao năng suất lao động là nội dung đặc biệt quan trọng đối với bất cứ doanh nghiệp nào trong bối cảnh hoạt động cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ và thách thức lớn với các doanh nghiệp trong việc giải quyết bài toán để làm thế nào tăng được năng suất lao động, đảm bảo doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập sâu rộng. Thực tế cũng cho thấy, với mỗi mô hình hoạt động, các doanh nghiệp phải mất một thời gian rất dài để thích ứng, tìm ra mô hình, bộ máy tối ưu cho hoạt động. Không ít doanh nghiệp đã chọn hình thức hợp tác, nghiên cứu với các tập đoàn, các công ty đa quốc gia để xây dựng mô hình hệ thống thực tiễn dựa trên hoạt động cụ thể của mình để từ đó triển khai, đo lường tăng trưởng năng suất đóng góp vào tăng biên lợi nhuận và phát triển bền vững doanh nghiệp.

Hợp tác để phát triển

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết, cùng với quá trình phát triển của ngành điện, trong 8 năm qua, quy mô hệ thống truyền tải điện quốc gia đã được phát triển rất nhanh, trở thành hệ thống truyền tải điện có quy mô lớn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã có 23.000 km đường dây 220 kV và 500 kV, tăng gấp 2 lần; 128 trạm biến áp 220 kV và 500 kV với tổng dung lượng máy biến áp 65.499 MVA, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2008, thời điểm EVNNPT được thành lập và đi vào hoạt động.

Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã đáp ứng yêu cầu đấu nối, giải tỏa công suất các dự án nguồn điện; hoàn thành đưa vào vận hành các công trình nâng dung lượng tụ bù dọc toàn tuyến 500 kV Bắc Nam lên gấp hai lần để nâng cao năng lực hệ thống truyền tải Bắc Nam; đảm bảo cấp điện theo nhu cầu của các khu vực và phụ tải trên cả nước; đặc biệt việc cung cấp điện an toàn, ổn định cho toàn miền Nam, thành phố Hồ Chí Minh, cũng như từng tỉnh của miền Nam đã được đảm bảo; đã khép kín mạch vòng 500 kV tại khu vực kinh tế trọng điểm ở cả miền Bắc và miền Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, hệ thống truyền tải điện quốc gia hiện nay tương đối hiện đại với ĐZ nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, công nghệ GIS, cáp ngầm, dây dẫn siêu nhiệt, hệ thống tự động hóa TBA, hệ thống thu thập dữ liệu công tơ, hệ thống định vị sự cố, thiết bị giám sát dầu online, v.v... Các thiết bị với công nghệ hiện đại của các nhà sản xuất có uy tín trên thế giới đang được vận hành an toàn, tin cậy trên hệ thống. Công nghệ vệ sinh cách điện hotline đã được triển khai tại tất cả các Công ty Truyền tải điện. Các đề án sửa chữa nóng, Trung tâm điều khiển xa và TBA không người trực, lưới điện thông minh đang được EVNNPT triển khai.

Lãnh đạo ngành truyền tải điện cũng cho biết, với truyền tải điện, đây là một lĩnh vực hết sức đặc thù và được xếp vào mô hình độc quyền Nhà nước. Tuy nhiên, nếu chỉ “an phận” với nhiệm vụ được giao, chỉ dừng lại với những mô hình quản lý hiện tại trong nước thì chắc chắn sẽ khó có thể đánh giá được một cách toàn diện về mô hình, phương cách hoạt động của tổng công ty cũng như các đơn vị truyền tải điện trực thuộc.

Với việc xác định rõ những mục tiêu, nhằm nâng cao hiệu suất lao động của cán bộ công nhân viên, nâng cao năng lực truyền tải điện, trong thời gian qua, lãnh đạo EVNNPT đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường hợp tác, đầu tư nghiên cứu để tìm ra các mô hình hợp lý áp dụng cho hoạt động của đơn vị. Nhiều chuyến công tác nghiên cứu, học hỏi mô hình tổ chức, quản lý, vận hành với các công ty điện lực, công ty truyền tải điện lớn của thế giới đã được EVNNPT thực hiện trong thời gian qua như Công ty Điện lực Tokyo (Nhật Bản); Công ty Điện lực KANSAI (Nhật Bản); Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO); Tổng công ty Truyền tải điện Liên bang Nga (FGC UES)…

Cùng đó, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng tổ chức, phối hợp cùng với với nhiều công ty điện lực, công ty truyền tải, lưới điện lớn như Điện lực Malaysia TNB; Công ty Lưới điện Quốc gia Transelectricia SA (TEL) - Rumani... tổ chức các khóa đào tạo, trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng suất lao động, các mô hình quản lý vận hành hiệu quả...

“Đa dạng và đa phương hóa hợp tác là mục tiêu mà EVNNPT đang theo đuổi. Hiện EVNNPT đang triển khai xây dựng các đề án nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả trong các hoạt động của mình cùng với nhiệm vụ hiện đại hóa hệ thống truyền tải điện Quốc gia. Trong đó, có việc xây dựng các trung tâm điều khiển xa, tiếp tới trạm biến áp không người trực, triển khai các công tác sửa chữa nóng cho đường dây và trạm biến áp (live working).... nên rất cần học hỏi kinh nghiệm của các nước trong các công tác này”, ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho hay.