TPHCM:
Tốn tiền tỷ mỗi lần điều chỉnh giá cước
(Dân trí) - Trong thời gian từ ngày 14/8 - 16/8, các hãng taxi trên địa bàn TPHCM lần lượt điều chỉnh tăng giá cước do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu ngày 13/8, các hãng vận tải hàng hóa cũng đang tính chuyện này.
Tăng giá cước từ 5% - 8%
Sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 1/8, các hãng taxi trên địa bàn TPHCM đều cố gắng cầm cự vì chi phí điều chỉnh đồng hồ cước quá lớn. Tuy nhiên, sau lần tăng cước thứ 2 trong tháng 8 vào ngày 13/8 vừa qua, các hãng taxi đều không chịu nổi và bắt buộc phải tăng giá.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM thì kể từ ngày 20/7 đến nay, giá xăng đã tăng 3 lần (ngày 20/7, 1/8 và 1/8) với mức tăng đến 2.400 đồng/lít nên các hãng taxi bắt buộc phải tăng giá vì chi phí tăng cao. Theo ông thì mức tăng dự kiến ít nhất là 500 đồng/km.
Ngay sau đó, hãng taxi Vinasun đã chính thức công bố sẽ tăng giá cước taxi thêm 500 đồng/km. Hiện hãng đang cho đưa xe taxi của mình đi kiểm định, điều chỉnh đồng hồ cước theo giá mới nên dự kiến giá mới sẽ áp dụng từ cuối tuần này cho đến đầu tuần sau.
Chiều tối 14/8, hãng taxi Mai Linh cũng chính thức thông báo điều chỉnh tăng giá cước taxi từ 800 – 1.000 đồng/km (tùy loại xe, tùy khu vực) trên toàn quốc. Giá cước áp dụng tại khu vực TPHCM từ ngày 16/8 sẽ giao động trong mức 13.400 đồng/km – 17.000 đồng/km (tùy loại xe).
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM thì với mức tăng giá xăng dầu từ đầu tháng 8 đến nay cộng lại thì các hãng vận tải hàng hóa có thể tăng giá cước từ 5% - 8%. Lý do là chi phí xăng dầu chiếm tỷ lệ rất cao trong giá thành vận tải hàng hóa.
Các tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức cũng cho biết là giá cước chở rau củ quả từ các tỉnh miền Tây về TPHCM đã bắt đầu được điều chỉnh ngay sau đợt tăng giá vừa qua. Mức tăng phổ biến là từ 30.000 đồng/tấn – 50.000 đồng/tấn (tùy mặt hàng và cự ly vận tải), tương đương khoảng 7% – 8%.
Tốn tiền tỷ để điều chỉnh giá cước
Một nghịch lý trong chính sách điều hành giá xăng dầu hiện nay khiến các doanh nghiệp vận tải đau đầu là chu kỳ điều chỉnh giá quá ngắn, giá xăng dầu điều chỉnh xoành xoạch khiến các doanh nghiệp vận tải chạy theo mướt mồ hôi.
Một chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường dài cho biết: “Trước đây chúng tôi thường làm hợp đồng vận tải theo quý, nửa năm; nay giá xăng dầu điều chỉnh liên tục nên ai cũng muốn làm hợp đồng theo từng chuyến. Vì có ai biết giá xăng ngày mai thế nào đâu. Tuy mất thêm thời gian, nhân sự làm công tác này nhưng giảm thiểu được rủi ro lỗ vốn”.
Tuy nhiên, theo vị này thì đối với các khách hàng lớn, họ đều phải làm hợp đồng theo từng tháng và hợp đồng tháng sau được ký kết vào cuối tháng này. Do đó, doanh nghiệp phải chấp nhận nguy cơ lỗ lã khi giá xăng dầu điều chỉnh giữa chừng như đợt tăng giá ngày 13/8 vừa qua.
Khác với vận tải hàng hóa, taxi là loại hình vận tải hành khách thanh toán ngay sau từng chặng đường nên không lo chuyện điều chỉnh hợp đồng. Nhưng chuyện mà các hãng taxi lo lắng khi điều chỉnh giá cước là phải điều chỉnh lại đồng hồ cước.
Theo ông Tạ Long Hỷ thì chi phí cho hoạt động điều chỉnh đồng hồ cước mỗi xe taxi là 260.000 đồng. Đó là chưa tính đến chi phí cho tài xế nghỉ làm nửa ngày để đưa xe đi kiểm định, chi phí xăng dầu di chuyển, khấu hao thời gian xe không hoạt động… Nếu tính tổng cộng hơn 30.000 taxi đang hoạt động trên địa bàn TPHCM thì chi phí này là cả chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đỗ Phương, Trợ lý Chủ tịch HĐQT tập đoàn Mai Linh cũng cho biết chi phí cho mỗi lần điều chỉnh đồng hồ cước tất cả xe taxi của hãng taxi Mai Linh là 3 tỷ đồng. Mà chỉ trong tháng 7, hãng Mai Linh đã 2 lần điều chỉnh giảm giá cước theo giá xăng, tháng 8 lại điều chỉnh tăng giá theo giá xăng. Như vậy, chưa đầy 2 tháng hãng đã mất hơn 9 tỷ đồng cho việc điều chỉnh đồng hồ cước taxi.
Ông Nguyễn Đỗ Phương cho rằng: “Với chủ trương để thị trường tự điều chỉnh giá xăng như hiện nay, các doanh nghiệp như Mai Linh liên tục phải chạy theo việc thay đổi giá cước theo giá xăng gây rất nhiều bất lợi. Nên chăng, Nhà nước cần có chủ trương và văn bản chỉ đạo để giá cước vận tải, đặc biệt là taxi sẽ bao gồm giá cước cố định và phụ thu tiền xăng giống như các quốc gia lân cận Việt Nam như Singapore đã thực hiện”.
Tùng Nguyên