Tôn giả, tôn gian tái xuất: Không thể để doanh nghiệp “tự bơi”

Đã từng có nhiều chiến dịch truy quét, xử lý hành vi gian dối trong lĩnh vực kinh doanh tôn, nhưng dường như thị trường này vẫn chưa thể được chấn chỉnh và các DN chân chính bị đẩy vào tình thế phải tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị tôn giả, tôn gian giật mất thị phần.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Lợi nhuận như buôn ma túy, dai dẳng như mại dâm

 

Thực tế, không thể phủ nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc đẩy lùi nạn tôn giả, tôn gian. Thống kê của Cục Quản lý Thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương đến hết năm 2014 cho thấy, chỉ trong hơn 1 năm, chi cục QLTT các địa phương đã kiểm tra gần 1.900 cơ sở kinh doanh tôn, thép và phát hiện, xử lý hàng trăm cơ sở vi phạm, phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng.

 

Các lỗi sai phạm chủ yếu được phát hiện là kinh doanh tôn nhái, sai nhãn mác sản phẩm, không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, không niêm yết giá sản phẩm.

 

Các địa phương xuất hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh tôn, thép rải đều từ bắc chí nam, trong đó nổi lên có Bình Định, Thái Bình, Đà Nẵng, TP.HCM, Lâm Đồng...

 

Chỉ tính riêng Hà Nội, trong thời gian ngắn lực lượng QLTT đã phát hiện 8 vụ kinh doanh tôn, thép giả hoặc đôn dem, kém chất lượng. Điển hình là tại Công ty TNHH Mỹ Hoa (Lô 5 Cụm công nghiệp Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội), Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và sản xuất Thái Thịnh (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội), Công ty TNHH Cơ khí và Thương mại Lan Sáu (Định Công, Hà Nội), Công ty TNHH Ngọc Dần (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thiên Á (Thanh Trì, Hà Nội), Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất tấm lợp Đức Mậu (Hoàng Mai, Hà Nội)...

 

Số liệu của Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, riêng trong năm 2014, cơ quan này đã phát hiện và xử lý gần 65.000 tấn tôn thép nhập khẩu các loại có sai phạm liên quan đến khai báo tên hàng, mã hàng hóa để gian lận, trốn thuế.

 

Tuy nhiên, thực tế trên thị trường cho thấy ngành tôn bán lẻ vẫn đang bị méo mó vì vấn nạn tôn giả, tôn nhái, kém chất lượng và đôn dem tràn lan.

 

Theo nhận định của các DN tôn cũng như các cơ quan chức năng, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

 

Thứ nhất, việc kinh doanh tôn giả, tôn kém chất lượng, tôn đôn dem mang lại lợi nhuận bất chính rất lớn cho các cơ sở gian dối. “ Ví dụ tôn 0.35 mm in 0.45mm và bán cho dân với giá cao hơn giá trị thật nhưng thấp hơn giá thị trường, như vậy cơ sở sản xuất tôn kiếm lời bất chính một cách nhanh chóng. Chưa kể tôn trôi nổi, kém chất lượng thì giá thành thấp, khi gắn mác tôn có thương hiệu thì đôn giá lên vài chục phần trăm nữa, đúng là siêu lợi nhuận”, một cán bộ QLTT phát biểu.

 

Thứ hai, bằng mắt thường người tiêu dùng rất khó nhận biết được tôn đôn dem nếu không có các thiết bị đo chuyên môn, tôn đôn dem và kém chất lượng cũng có “sức sống” vài ba năm trước khi hư hỏng, nên trước mắt người tiêu dùng chưa thấy được ngay hậu quả của việc bị các cơ sở tôn “xỏ mũi”.

 

Chính vì các lý do đó, nên nạn tôn giả, tôn gian vẫn đầy màu mỡ với các cơ sở làm ăn bất chính, mà nói như giới kinh doanh tôn là làm tôn gian “lợi nhuận như buôn ma túy, dai dẳng tựa mại dâm”.

 

Để doanh nghiệp “tự bơi”, coi chừng chìm một ngành hàng

 

Tình trạng gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả có ảnh hưởng tiêu cực như làm mất uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giảm thị phần của các nhà sản xuất trong nước, giảm doanh thu và cũng giảm thu nhập của người lao động trong các cơ sở sản xuất tôn trong nước, ngân sách nhà nước bị thất thu thuế hàng ngàn tỷ đồng/năm, môi trường kinh doanh không lành mạnh.

 

Thực tế, bên cạnh việc “cầu cứu” các cơ quan chức năng, một số DN ngành tôn đã có động thái để tự bảo vệ mình và chiến đấu với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng đôn dem, hàng trôi nổi.

 

Một điển hình có thể nhắc tới là Hoa Sen. Theo số liệu thống kê năm 2013, Tôn Hoa Sen chiếm 39,31% thị phần tôn cả nước, tuy nhiên trước vấn nạn tôn giả, tôn nhái chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, Tôn Hoa Sen đã giảm 2,6% thị phần, tỉ lệ  nghịch với sự tăng trưởng thị phần nhanh chóng của tôn “rởm”.

 

Để chống chọi với vấn nạn này, Hoa Sen đã đẩy mạnh xuất khẩu tôn, thép sang các thị trường nước ngoài, đồng thời xây dựng hệ thống các cửa hàng bán lẻ trên khắp cả nước gắn với thương hiệu Hoa Sen và sản xuất tài liệu hướng dẫn khách hàng cách nhận biết và phân biệt tôn thật - tôn giả và cho lưu hành rộng rãi trên cả nước.

 

Tại các hội thảo về chống hàng giả, hàng nhái, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hoa Sen đã lên tiếng rất quyết liệt về thực trạng này, đồng thời kêu gọi các cơ quan chúc năng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả. Ông Vũ từng tuyên bố: “Ai mua phải tôn Hoa Sen giả, hãy gặp tôi”, như một thông điệp không khoan nhượng với các cơ sở gian dối.

 

Tuy nhiên, nỗ lực đơn lẻ của một DN như Hoa Sen là chưa đủ, khi mà động lực của các cơ sở kinh doanh tôn gian dối là rất lớn.

 

Phát biểu tại một cuộc hội thảo tại Hà Nội về tình trạng tôn giả, tôn gian, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết: “Cơ quan chức năng phải vào cuộc, có biện pháp xử lý, vì đây là gian lận thương mại rất tinh vi, vừa sản xuất hàng giả, hành vi buôn bán tôn kém chất lượng và có sự móc nối với nhau giữa dân buôn để “móc túi” người tiêu dùng”.

 

Đánh giá việc kinh doanh tôn giả, đôn dem là “dã man”, ông Hùng kiến nghị cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa vì hành vi này gây tổn hại quá lớn cho cả người tiêu dùng, DN và ngân sách nhà nước.

 

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Sưa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cảnh báo: người tiêu dùng đã bị “móc túi” đủ cách và nguy hiểm hơn là chất lượng công trình của họ không được đảm bảo.

 

Về phía cơ quan quản lý, Cục QLTT cũng thẳng thắn thừa nhận thực trạng này. Bên cạnh nạn thép giả, nạn tôn giả và đôn dem, tôn không rõ nguồn gốc, tôn kém chất lượng từ Trung Quốc đội lốt tôn chính hãng đang diễn ra phổ biến ở nông thôn, đặc biệt là ở vùng cao, thậm chí diễn ra ngay ở Hà Nội.

 

Được biết, hiện Ban chỉ đạo 389 đang xây dựng phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng tôn, thép xây dựng. Đồng thời, cơ quan này đã và đang tiến hành nhiều đợt tổng kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định hiện hành sản xuất, kinh doanh mặt hàng tôn, thép.

 

Để có thể làm trong sạch môi trường kinh doanh, ngoài việc siết chặt quản lí, đưa ra những kế hoạch hành động triệt để, các nhà quản lý cần có chính sách để giúp các doanh nghiệp kinh doanh tôn chân chính trong nước phát triển nhằm tạo thêm nhiều nguồn lợi kinh tế cho đất nước và bảo vệ ngành này trước nguy cơ “chết chìm” vì vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng đôn dem.

 

Minh Thái