Bình Định:

Tôm chết, nông dân trắng tay vì nằm trong vùng dịch

Doãn Công

(Dân trí) - Nhiều nông dân nuôi tôm ở Bình Định thua lỗ nặng, có hộ mất trắng vì tôm nuôi vụ 2 chuẩn bị đến kỳ xuất bán thì đột nhiên tôm chết. Trong khi đó, thương lái không thu mua vì dịch Covid-19.

Tôm chết, nông dân trắng tay vì nằm trong vùng dịch - 1

Ông Võ Quang Diệp (ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) mất 70 triệu đồng do tôm chết.

Ông Lê Thanh Tâm, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm cộng đồng (thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) cho biết, trên 40 hồ tôm nuôi vụ 2 ở thôn đều bị thiệt hại. Bình quân mỗi hồ đều thua lỗ từ 30 đến 40 triệu đồng do thời tiết nắng nóng kéo dài rồi gặp mưa khiến tôm bị sốc môi trường.

"Tôm nuôi được gần một tháng thì bị bệnh chết sớm, cộng với tình hình dịch Covid-19 lúc ấy căng thẳng, thương lái không thu mua tôm. Đến những người buôn tôm ở địa phương để bán các chợ cũng không thể qua được các chốt kiểm dịch nên lượng tôm bán vớt vát được không đáng kể", ông Tâm nói.

Tôm chết, nông dân trắng tay vì nằm trong vùng dịch - 2

Tôm chết đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn.

Gia đình ông Tâm nuôi 2 ao tôm với gần 10.000 m2 diện tích mặt nước. Chỉ riêng tiền mua tôm giống đã hết 30 triệu đồng, cộng với tiền cải tạo ao và chi phí thức ăn cho tôm hết 40 triệu đồng, chưa tính tiền điện, công sức bỏ ra. Tiền thu hoạch 2 hồ tôm chưa nổi 6 triệu đồng, không đủ trả tiền điện.

Ông Võ Quang Diệp (48 tuổi) có thâm niên nuôi tôm hàng chục năm ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Chính ông Diệp cũng phải "bó tay" với thời tiết khắc nghiệt lúc nắng lúc mưa.

"Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, tôm nuôi thường bị bệnh gan, tụy mà chết. Tuy nhiên vừa qua thời tiết đang nắng thì mưa liên tục 4-5 ngày, tôm xuất hiện các đốm đỏ ở bụng và chết rải rác", ông kể. Sợ trắng tay, người dân thu hoạch sớm bán vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Tuy nhiên, dân gọi công ty thì họ không thu mua vì dịch Covid-19. "Đem bán ở chợ quê thì ngày bán năm bảy chục kg, trong khi vùng này biết bao nhiêu hộ nuôi tôm, dân đâu ăn cho hết", ông ngậm ngùi. 

Tôm chết, nông dân trắng tay vì nằm trong vùng dịch - 3

Nhiều hộ nuôi tiền bán tôm không đủ trả tiền điện.

Ông Diệp chia sẻ, ngoài 50 triệu đồng/năm tiền thuê đất nuôi tôm, gia đình bỏ ra 20 triệu đồng thuê máy múc để cải tạo lại hồ. Trong khi đó, tiền giống tôm tăng, giá cám cũng tăng, song giá tôm thịt lại thấp nên người nuôi may mắn thì hòa vốn hoặc thua lỗ. Chưa kể tôm bệnh chết như vụ này, có hộ tôm chết nổi đỏ hồ, mất trên 200 triệu đồng.

Thế nhưng có một thực tế được không ít người nuôi tôm ở huyện Tuy Phước cho biết là khác với nuôi trâu, bò, lợn, gà… khi xảy ra dịch bệnh chết thì người nuôi đều có chính sách hỗ trợ song riêng người nuôi tôm chưa bao giờ được hỗ trợ.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, tính đến nay, tôm vụ 2 đã thả nuôi được hơn 1,8 nghìn ha diện tích mặt nước, tập trung ở huyện Tuy Phước, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn. Trong đó, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh hơn 490 ha, còn lại là nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến.

Tôm chết, nông dân trắng tay vì nằm trong vùng dịch - 4

Hồ tôm của ông Võ Quang Nhì ở xã Phước Thuận chết sạch không còn một con, mất trắng trên 200 triệu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (phụ trách thủy sản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định) cho biết, trong đợt mưa bão hồi tháng 9 vừa qua, 26,5 ha diện tích nuôi tôm vụ 2 trên địa bàn huyện Tuy Phước bị bệnh chết rải rác.

"Thực ra, tôm chết do mưa nhiều làm thay đổi môi trường chứ không phải do dịch bệnh. Cộng với thời điểm đó đang giãn cách xã hội, người dân không bán được nhiều nên bà con cũng phản ánh", bà Lan cho hay.

Về các chính sách để hỗ trợ cho người nuôi tôm khi xảy ra dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, từ trước đến nay, tôm dịch bệnh chết rất ít được hỗ trợ mà chỉ hỗ thuốc hóa chất khử trùng ao hồ.

Theo quy định, nếu tôm bị dịch bệnh chết thì hỗ trợ chỉ 5 triệu/ha, tuy nhiên phải đúng theo lịch mùa vụ nuôi thả, có giấy chứng nhận kiểm dịch của chính quyền địa phương… Trong khi người dân nuôi thả không khai báo với địa phương, đến lúc thiệt hại mới kêu ca.

"Ví như con heo, con bò hay con gà… ở trên bờ còn đếm được số lượng, còn con tôm ở dưới nước nên việc hỗ trợ rất khó", Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh nói .