Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" ở Bình Định
(Dân trí) - Tỉnh Bình Định tập trung xử lý nghiêm để ngăn chặn tình trạng tàu cá đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, ảnh hưởng nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU của địa phương này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định, sau gần 4 năm triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục "thẻ vàng" IUU theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), ngành Thủy sản Bình Định bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.
Điều này thể hiện, tình trạng vi phạm IUU ngày càng giảm. Việc kiểm tra, giám sát sản lượng xác nhận và chứng nhận nguồn gốc khai thác thủy sản khai thác thực hiện tốt.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn, trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ vẫn còn xảy ra. Hệ thống giám sát tàu cá, thiết bị VMS chưa ổn định, thông suốt, nhiều tàu cá bị mất kết nối, bị gián đoạn, vượt ranh giới bị cảnh báo.
Trong khi đó, việc điều tra, xử lý tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chưa kịp thời, chưa đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, các ngành, các cấp, chính quyền địa phương đã rất quyết tâm gỡ "thẻ vàng" IUU, nhưng tình trạng tàu cá vi phạm vẫn chưa chấm dứt hẳn. Năm 2020 có 11 tàu, qua năm 2021 tăng lên 16 tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ.
Ông Phúc cho rằng, nguyên nhân chủ quan là một số ngư dân vì lợi ích kinh tế đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đa phần chủ tàu không trực tiếp tham gia khai thác mà thuê mướn thuyền trưởng điều khiển, tự tổ chức đánh bắt.
Vì vậy, để có thu nhập cao, thuyền trưởng cố tình xâm phạm lãnh hải các nước khác để khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Ngoài ra, tất cả chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, nhiều năm liền không đưa tàu cá về địa phương.
Về nguyên nhân khách quan, ông Phúc cho biết, việc phân định ranh giới trên biển giữa các nước trong khu vực, đặc biệt ở vùng biển phía Nam của Việt Nam chưa rõ ràng.
Vì vậy, xảy ra trường hợp tàu khai thác hải sản ở vùng chồng lấn, vùng đang có tranh chấp đã bị lực lượng tuần tra nước ngoài bắt giữ, đưa về nước họ để xử lý.
Một số trường hợp tàu gặp gió bão hoặc chạy tránh trú bão, tàu bị hỏng máy trôi trên biển… bị dạt vào các vùng biển nước ngoài nhưng không biết các biện pháp xin hỗ trợ khẩn cấp và đã bị bắt giữ.
Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm hành chính còn gặp nhiều khó khăn. Trong số 27 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ từ năm 2020 đến nay, tỉnh mới hành quyết định xử phạt 8 trường hợp với số tiền 7,2 tỷ đồng và tịch thu sung công quỹ Nhà nước 2 tàu.
Tuy nhiên đến nay, các trường hợp trên chưa thi hành quyết định xử phạt do hoàn cảnh của chủ tàu rất khó khăn không thể tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp Đồn, Trạm Kiểm soát Biên phòng, chính quyền địa phương lập biên bản, xử lý nghiêm các tàu cá bị cảnh báo, tàu cá không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.
"Các tàu cá này sẽ được đưa vào danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan liên quan, các Tổ IUU trong và ngoài tỉnh yêu cầu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm khi tàu xuất bến, về bến", ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết.