Tội phạm kinh tế gia tăng vì chứng khoán
(Dân trí) - Sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Song cũng bộc lộ những dấu hiệu tiêu cực mà trước hết là tình hình phạm tội do "phong trào chơi chứng khoán" gia tăng.
Ông Nguyễn Đình Ngọc - Đội trưởng Đội Kinh tế Tổng hợp, Phòng CSĐT Tội phạm về Quản lý kinh tế và chức vụ cho biết: Tất cả các cơ quan Nhà nước cần phải kiểm tra lại toàn bộ cán bộ, nhân viên của mình, chấm dứt tình trạng bỏ giờ làm lên sàn giao dịch.
Đặc biệt với ngành ngân hàng lại càng phải siết chặt hơn nữa. Vì họ là những người am hiểu, có kiến thức về tài chính, nên không ít trường hợp đã tay trong tay ngoài, bỏ giờ làm việc đi làm thuê, đấu giá thuê cho các "đại gia". Mặt khác, cũng phải tăng cường quản lý đối với những cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp tiếp xúc với tiền bạc, tránh tạo kẽ hở để họ thực hiện hành vi phạm tội.
Một ví dụ được ông Ngọc dẫn ra là vụ Phạm Chí V. (sinh năm 1977), nhân viên kho quỹ một Chi nhánh ngân hàng quận Hoàn Kiếm. V. là thủ quỹ Phòng kế toán giao dịch và kho quỹ, được giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý nhập xuất các tài sản cầm cố đảm bảo của khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng.
Lợi dụng nhiệm vụ của mình, V. đã rút ruột toàn bộ số trái phiếu Chính phủ vô danh (có giá trị như tiền) trị giá 1,4 tỷ đồng của khách hàng để thế chấp ở một ngân hàng khác, sau đó, rút tiền kinh doanh cổ phiếu của một số công ty.
Ngày 13/6/2007, khi khách hàng đến nhận lại tài sản cầm cố thì phát hiện phong bì vẫn còn nguyên dấu niêm phong nhưng 1,4 tỷ đồng đã không cánh mà bay, thay vào đó chỉ còn là mớ giấy lộn.
Qua điều tra sơ bộ của các trinh sát Phòng Kinh tế tổng hợp, trước khi niêm phong tài sản cầm cố, cả khách hàng và nhân viên ngân hàng phải ký vào biên bản niêm phong rồi mới được lưu kho. Nhưng, đối tượng cũng như nhiều cán bộ ngân hàng khác đã bỏ qua quy định này dẫn đến tạo kẽ hở cho việc thực hiện hành vi phạm tội một cách dễ dàng, thuận lợi.
Hồng Quân