"Tôi không dại gì đề xuất đánh thuế với khoản lãi cỡ vài triệu đồng"

(Dân trí) - "Tôi không dại gì đề xuất việc đánh thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập lãi tiết kiệm thấp cỡ vài triệu đồng mỗi tháng hay dưới 200 triệu đồng/năm. Tóm lại, là tôi không đề xuất đánh thuế đối với thu nhập tiền gửi ngân hàng nói chung, mà chỉ đối với các khoản tiền lãi lớn vì sự công bằng", ông Trương Thanh Đức nói.

Xung quanh đề xuất đang gây xôn xao dư luận của Luật sư Trương Thanh Đức về đánh thuế vào lãi tiền gửi ngân hàng, nhiều người cho rằng, đề xuất này phi thực tế. Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Đức nhằm làm sáng tỏ câu chuyện.

Thưa Luật sư, đâu là cơ sở pháp lý và thực tiễn để ông đưa ra các đề xuất đánh thuế vào lãi tiền gửi của người gửi tiền ở ngân hàng? Và tiền gửi như nào bị đánh thuế?

- Theo quy định tại khoản 3, Điều 3 về “Thu nhập chịu thuế”, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, sửa đổi, bổ sung năm 2012, thì khoản thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm: Tiền lãi cho vay, lợi tức cổ phần và thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác (trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ), đang bị đánh thuế 5%. Đồng thời, theo khoản 7, Điều 4 về “Thu nhập được miễn thuế” của Luật này thì “Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng” được miễn thuế.

Luật sư Trương Thanh Đức, người đề xuất đánh thuế với lãi tiền gửi cho rằng chủ trương chỉ đề xuất đánh thuế người có nhiều tiền
Luật sư Trương Thanh Đức, người đề xuất đánh thuế với lãi tiền gửi cho rằng chủ trương chỉ đề xuất đánh thuế người có nhiều tiền

Điều đó có nghĩa là, cá nhân thu một đồng lãi từ việc cho vay công ty, pháp nhân, cá nhân khác hay được chia cổ tức đều bị đánh thuế 5%, trong khi thu lãi tiền gửi ngân hàng thì không phải nộp thuế trong mọi trường hợp, dù là thu lãi hàng chục tỷ đồng.

Tôi đề xuất đánh thuế khoản thu nhập tiền lãi của khoản tiền gửi ngân hàng như đối với tiền gửi tại nơi khác, theo như quy định trên. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là chỉ đánh thuế đối với khoản thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng vượt 2 lần mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (tức là khoảng 216 triệu đồng/năm hiện nay, và dự kiến là 240 triệu đồng từ năm 2019).

Có nghĩa là anh có cả hai phần thu nhập thường xuyên và bất thường, thì thu nhập cỡ 360 triệu đồng/năm (gồm 120 triệu đồng thu nhập cá nhân và 240 triệu đồng thu nhập từ lãi tiền gửi) trở lên thì mới bị đánh thuế.

Tôi không dại gì đề xuất việc đánh thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập lãi tiết kiệm thấp cỡ vài triệu đồng mỗi tháng hay dưới 200 triệu đồng/năm. Tóm lại, là tôi không đề xuất đánh thuế đối với thu nhập tiền gửi ngân hàng nói chung, mà chỉ đối với các khoản tiền lãi lớn vì sự công bằng.

Trong kiến nghị của mình, ông nêu ra sự bất công trong thu nhập tính thuế, đặc biệt đối với các khoản thuế của người gửi tiền lớn hiện nay chưa được kiểm soát, thu thuế? Ông có thể giải thích rõ hơn?

- Chính sách – pháp luật thuế của chúng hiện nay, có thể nói là còn nhiều bất cập. Cá nhân cho vay các doanh nghiệp, cá nhân khác đều phải nộp thuế thu nhập trên tiền lãi; thậm chí bán nhà, chuyển nhượng cổ phần dù lỗ cũng phải nộp thuế thu nhập, vậy tại sao lãi tiền gửi ngân hàng có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng lại được miễn thuế?

Người đầu tư vào doanh nghiệp nói chung, vào cổ phần, cổ phiếu nói riêng chịu rất nhiều rủi ro (nhiều khi không lãi trong nhiều năm hoặc mất trắng nếu doanh nghiệp thua lỗ, phá sản) nhưng cứ có thu nhập cổ tức - dù 1 đồng, thì cũng bị đánh thuế thu nhập 5%. Thu 1 đồng lãi cho vay doanh nghiệp, cá nhân đều phải nộp 5% thuế thu nhập, vậy thì thu lãi từ tiền gửi các tổ chức tín dụng lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mới đánh thuế 5% thì không có gì bất hợp lý.

Là người làm nhiều năm trong ngân hàng, tư vấn cho ngành ngân hàng, đề xuất này có thể khiến các ngân hàng bất lợi, dòng tiền đổ vào ngân hàng ít đi gây khủng hoảng nguồn cung tiền cho các ngân hàng?

- Nên nhớ rằng hiện nay, thu nhập từ tiền lương và hầu hết các khoản khác cộng lại, nếu ở vài trăm triệu đồng trở lên thì đang bị đánh thuế khoảng 20%, thậm chí là 35%.

Thu lãi từ tiền gửi các tổ chức tín dụng lên đến hàng trăm triệu đồng mới đánh thuế 5% thì không có gì bất hợp lý. Nếu vì việc đánh thuế này, mà tiền vào ngân hàng ít đi, thì chẳng qua là nó đã chạy thẳng vào sản xuất kinh doanh, chứ không phải người ta giữ trong két.

Nếu vì việc đánh thuế khoản lãi tiền gửi mà người ta phải phân nhỏ tiền thành các gói gửi không quá 4 tỷ đồng tại mỗi ngân hàng chẳng hạn (để không phải nộp thuế) thì cũng chẳng gây ra hệ lụy gì ghê gớm. Thậm chí điều này còn tạo thêm sự công bằng cho các ngân hàng nhỏ và thậm chí còn có tác dụng an toàn hơn cho chính người gửi tiết kiệm, vì mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đang khá thấp và được tính riêng biệt theo từng ngân hàng.

Có thể hiểu được mục đích đánh thuế vào tiền lãi nhưng chắc chắn quản lý nhóm đối tượng có tiền này sẽ khó bởi họ sẽ chia ra thành nhiều tài khoản, gửi nhiều ngân hàng, thậm chí chuyển sang cho người thân. Hiện các ngân hàng cũng giữ bí mật thông tin khách hàng? Làm sao để chúng ta lấy được các thông số đánh thuế?

- Đề xuất này có thể chỉ quản lý khách hàng đơn lẻ thôi, còn nếu tập hợp được thì phải là phục vụ cho phòng chống tham nhũng, chống đầu cơ của các đại gia giàu có.

Ở Việt Nam mình có nhiều cách lách thuế, thậm chí chưa có luật đã có cách lách rồi. Việc đứng tên ai đó hoặc chuyển quyền tài sản cho người khác khi có tranh chấp, giải quyết sẽ rất rối và có thể lúc đó phải có tòa án vào cuộc.

Việc chủ tài khoản nhiều tỷ đồng gửi nhiều nơi khác nhau hoặc đứng tên người thân là câu chuyện thực tiễn đang diễn ra là người giàu có nhiều nhà, đứng tên mình hoặc tên nhiều người khác. Câu chuyện này chúng ta đang tìm cách xử lý, thu thuế.

Trên thực tế, tôi được biết, có nhiều khách hàng gửi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng vào ngân hàng, suốt năm này qua năm khác, thu lãi hàng tỷ đồng, thì cần gọi đúng bản chất là đầu tư, kinh doanh (chính Luật Thuế thu nhập cá nhân đang gọi việc người này cho người kia vay tiền lấy lãi là hoạt động đầu tư vốn).

Tôi cho rằng, có đánh thuế 5% thì cũng chỉ dịch chuyển nhẹ nhàng và từ từ dòng tiền bớt qua trung gian ngân hàng. Còn về cơ bản, chẳng ai dại gì vì sợ mất 5% mà từ bỏ khoản lợi nhuận 95% còn lại.

Xin trân trọng cảm ơn luật sư!

Nguyễn Tuyền