Tòa nhà FLC bất ngờ bị tháo logo

Văn Hưng

(Dân trí) - Tháp văn phòng số 265 đường Cầu Giấy bị tháo logo FLC trong bối cảnh Tập đoàn FLC đã đem tòa nhà 42 tầng này "gán nợ" cho OCB. Hiện FLC chỉ thuê lại một phần diện tích tại chính tòa nhà này.

Theo ghi nhận, trong sáng 1/6, tháp văn phòng số 265 đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - trụ sở của Tập đoàn FLC - đã bị tháo logo. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện hình ảnh các công nhân đang xóa bỏ chữ FLC trên tấm bê-tông phía trước tòa trụ sở FLC tại 265 Cầu Giấy. Dân trí đã liên hệ với doanh nghiệp nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trước đó, theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tập đoàn FLC đã công bố bổ sung 51 nghị quyết hội đồng quản trị về giao dịch với bên liên quan.

Đáng chú ý trong 362 trang tài liệu, FLC tiết lộ việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Tập đoàn FLC và Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS), Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã chứng khoán AMD) và Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán: OCB).

Tòa nhà FLC bất ngờ bị tháo logo - 1

Hiện FLC chỉ thuê lại một phần diện tích tại chính tòa nhà số 265 Cầu Giấy (Ảnh: Hoàng Dung).

Cụ thể, FLCHomes đã dùng quyền sử dụng đất tại địa chỉ thửa đất số 265, đường Cầu Giấy, phương Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội - nơi tọa lạc của tòa tháp văn phòng 42 tầng (gồm 4 tầng hầm và 38 tầng nổi), trụ sở Tập đoàn FLC từ tháng 7/2019 đến nay - làm tài sản gán nợ. Tổng diện tích đất để xây dựng tòa tháp này là 3.457 m2.

Về phía FLC, tài sản gán nợ là tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của FLC (tháp văn phòng) bao gồm 4 tầng hầm, 5 tầng thương mại, tầng 6 - tầng kỹ thuật, tầng 7-37 là khu văn phòng, tầng 38. Những tài sản này dùng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ bao gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi, lãi quá hạn (nếu có) của FLC và các công ty trong hệ sinh thái tại OCB phát sinh từ tất cả hợp động tín dụng và/hoặc hợp đồng cấp bảo lãnh, văn bản tín dụng được ký kết giữa Tập đoàn FLC và các công ty với OCB.

Sau khi trụ sở được dùng làm tài sản gán nợ, FLC lại thuê lại một phần diện tích tại chính tòa nhà này từ OCB nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các bên thứ ba do FLC chỉ định.

Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết FLC trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, trong quan hệ tín dụng với OCB, FLC trả nợ gốc, lãi rất nghiêm túc, chưa bao giờ chậm nợ và thực tế trong cả hệ thống ngân hàng, tập đoàn này cũng chưa bao giờ bị chuyển nhóm nợ. 

Theo ông Tùng, OCB cho FLC vay khoảng 1.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào hai dự án bất động sản ở Quảng Ninh. Ngân hàng chỉ cho vay dựa trên dự án cụ thể và 2 dự án đều đủ pháp lý. Song song đó, OCB cũng cho Bamboo Airways vay khoảng 1.000 tỷ đồng với tài sản thế chấp bằng bất động sản. Dù vậy, do tính chất rủi ro sau sự kiện liên quan ông Trịnh Văn Quyết, OCB đang thương thảo với FLC cũng như Bamboo Airways để thu hồi nợ sớm.

Ông Tùng cũng nói thêm, vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết có tính chất cá nhân còn Tập đoàn FLC hiện nay dù rất khó khăn nhưng vẫn hợp tác với ngân hàng. Trong trường hợp khách hàng vẫn hoạt động tốt, ngân hàng dù không tăng hạn mức nhưng vẫn có thể xem xét duy trì quan hệ tín dụng để hỗ trợ.