"Tòa nhà cao nhất Việt Nam" hết "cắt ngọn" đến đổi chủ

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi chủ đầu tư Dự án Tháp Dầu khí, từng được cho là tòa nhà cao nhất Việt Nam và thứ 2 châu Á, nếu việc xây dựng được hoàn thành.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Nội dung trên được đề cập cụ thể trong Công văn số 251/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ, lý ngày 13.2.2015 và công bố ngày 17.2.2015 trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, về việc chuyển dự án "Khu trung tâm Thương mại, Tháp dầu khí và Công viên giải trí" tại phường Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư.
 
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ xem xét đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh, quyết định việc chuyển đổi chủ đầu tư đảm bảo hiệu quả quỹ đất; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Như vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) sẽ không tiếp tục thực hiện Dự án "Tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại, Công viên giải trí và Tháp Dầu khí” này nữa. Thay vào đó là tập trung nguồn lực cho hoạt động của ngành, nghề kinh doanh chính theo đúng chủ trương của Chính phủ.
 
Tòa nhà này được hứa hẹn là tòa nhà cao nhất Việt Nam, cao thứ 2 châu Á.
Tòa nhà này được hứa hẹn là tòa nhà cao nhất Việt Nam, cao thứ 2 châu Á.
 
102 tầng còn 79 tầng, 1 tỉ còn 600 triệu
 
Năm 2010, khi thị trường bất động sản đang vào thời kỳ sôi động nhất, giới đầu tư bất động sản đón nhận thông tin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) sẽ xây Tổ hợp Tháp Dầu khí Việt Nam (PVN Tower) tại huyện Mễ Trì (Hà Nội). 
 
Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương hợp tác xây dựng với vốn đầu tư trên 1 tỉ USD, toà nhà dự kiến có 102 tầng, cao 528m
Dự án này dự kiến sẽ thành hiện thực sau khoảng thời gian từ 3-5 năm xây dựng, có thể trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam và thứ 2 châu Á, với vốn đầu tư trên 1 tỉ USD.
 
Tuy nhiên, khi dự án còn chưa được khởi công thì sau đó với lý do để đảm bảo hiệu quả đầu tư, giảm chi phí, dự án tòa nhà cao nhất Việt Nam sẽ chỉ còn duy trì 79 tầng thay vì 102 tầng. Số vốn từ hơn 1 tỉ USD theo dự kiến ban đầu giảm xuống còn 600 triệu USD. Thông tin trên được đưa ra tại họp báo ngày 27.3.2011 do Tổng công ty cổ phần
Xây lắp dầu khí (PVC - thuộc Tập đoàn Dầu khí) tổ chức.
 
Theo đó, ông Vũ Đức Thuận - giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) cho biết toàn bộ nguồn vốn đầu tư cho dự án PVN Tower sẽ được huy động từ vốn tự có của chủ đầu tư và các đối tác khác trong và ngoài nước, hoàn toàn không dùng vốn ngân sách (theo Đầu Tư). 
 
Với việc hạ thấp số tầng, chiều cao, PVN Tower sẽ không còn là tòa nhà cao nhất Việt Nam nhưng sẽ vẫn có mục tiêu là biểu tượng cho ngành dầu khí, cho Thủ đô Hà Nội. 
 
Theo dự kiến dự án sẽ được khởi công vào quý I/2012.
 
Đổi tên và sang chủ
 
Rồi tại buổi họp báo chiều 16.1.2012, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tuyên bố PetroVietnam đã rút khỏi tòa tháp PVN Tower theo chỉ đạo của Chính phủ và xúc tiến tìm đối tác để chuyển giao dự án. 
 
Với tư cách là chủ đầu tư, Petro Vietnam đã quyết định không tiếp tục tham gia đầu tư dự án này. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án sẽ được chuyển giao cho PVC tiếp tục hoàn thiện.
 
Khi triển khai dự án trên, Petro Vietnam chỉ tham gia góp vốn làm văn phòng của tập đoàn với mức tối thiểu và không lấy tên của tập đoàn trong dự án này, đổi tên Tháp Dầu khí (PVN Tower) sang tên khác.
 
Từ sau thông tin sang tên, đổi chủ, một trong những dự án hoành tráng nhất Việt Nam dần bị lu mờ trong giới bất động sản. Hơn 4 năm trôi qua, dự án hiện vẫn là bãi cỏ hoang nằm trong lòng khu đất vàng của thành phố Hà Nội.
 
Sau hơn 4 năm, từ việc “cắt ngọn”, giảm vốn đầu tư, bị bỏ hoang đến chuyển đổi chủ đầu tư, nhiều người đặt câu hỏi rằng: Đến khi nào dự án này mới được khởi công?
 
Theo Phan Diệu (tổng hợp)
Một Thế giới
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”