Tọa đàm xanh: Hành động thiết thực cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên carbon
(Dân trí) - Giảm phát thải, chuyển đổi xanh đang là “giấy thông hành” trên thị trường quốc tế. Từ chính sách xuất khẩu của EU đến cam kết giảm phát thải quốc gia, doanh nghiệp Việt không còn nhiều thời gian để chần chừ nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị.
Trong bối cảnh đó, tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp chuyển đổi xanh – Từ thách thức đến hành động” do Quỹ Vì tương lai xanh phối hợp cùng báo Dân trí tổ chức được kỳ vọng sẽ gợi mở những hướng đi cụ thể cho cộng đồng doanh nghiệp. Chương trình nằm trong chuỗi tọa đàm chuyên đề Talk GreenBiz - La bàn tăng trưởng xanh do Quỹ Vì tương lai xanh khởi xướng, hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực hành động của doanh nghiệp Việt trước các cơ chế định giá carbon đang hình thành nhanh chóng.
Chủ đề “Doanh nghiệp chuyển đổi xanh – Từ thách thức đến hành động” sẽ tập trung vào các nội dung mang tính thời sự và thiết thực, như doanh nghiệp bắt đầu từ đâu trong hành trình giảm phát thải, công nghệ và công cụ nào hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính hiệu quả, tài chính xanh và tín chỉ carbon có thật sự khả thi với doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Diễn giả chính của chương trình là TS. Nguyễn Hoài Nam – Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường (ISTEE), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với gần 20 năm nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực năng lượng, kinh tế và biến đổi khí hậu, TS. Nam là gương mặt quen thuộc tại nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế, đồng thời đảm nhận vai trò giảng viên cao cấp tại các chương trình đào tạo về biến đổi khí hậu và thị trường carbon. Ông cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu trong nước, tham gia tư vấn xây dựng chính sách thị trường carbon và các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam kể từ năm 2020.
Từ năm 2008, TS. Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các khung chính sách về quy hoạch và an ninh năng lượng quốc gia, với trọng tâm là tìm kiếm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và các giải pháp năng lượng bền vững, dễ tiếp cận và ít phát thải carbon. Ông từng thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu về sự phát triển của thị trường điện Việt Nam, đặc biệt là các phân tích về tiến trình tự do hóa thị trường điện dưới góc nhìn kinh tế phát triển. Những nghiên cứu này đã đưa ra các khuyến nghị thực tiễn nhằm cải cách và thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh hơn.
Với vai trò là một trong những nghiên cứu viên chủ chốt của Nhóm Nghiên cứu về Quy hoạch và An ninh năng lượng thuộc Viện Hàn lâm, TS. Nam là đồng tác giả của khoảng 35 bài báo khoa học được bình duyệt kể từ năm 2008. Những đóng góp này đã đưa nhóm nghiên cứu trở thành một trong những đơn vị đầu ngành trong việc xây dựng chiến lược năng lượng dài hạn và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện nay, nghiên cứu của TS. Nam tập trung vào các mô hình quy hoạch năng lượng tích hợp và mô hình liên kết năng lượng – kinh tế – khí hậu, đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng cơ sở khoa học cho các chiến lược giảm nhẹ phát thải ở cả cấp doanh nghiệp lẫn cấp quốc gia. Ông đã tham gia nhiều nghiên cứu xây dựng lộ trình carbon thấp, hiệu quả về chi phí cho cả phía cung và cầu năng lượng, góp phần hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (GHG) theo cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Các công bố gần đây của ông tập trung vào phân tích các giải pháp giảm nhẹ trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, đồng thời xây dựng các đường cong chi phí biên giảm phát thải nhằm ước lượng nhu cầu tài chính khí hậu và chi phí thực hiện các mục tiêu giảm phát thải.
Theo TS. Nguyễn Hoài Nam, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là tiếp cận thông tin định hướng và công cụ phù hợp để thực hiện chuyển đổi xanh. Trong khi đó, sức ép từ thị trường quốc tế đang ngày càng trở nên rõ rệt, đặc biệt là các cơ chế như CBAM (Cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới của EU) áp lên hàng hóa nhập khẩu có lượng phát thải cao (bao gồm xi măng, nhôm, sắt thép, phân bón, hydro và điện). Điều này khiến cho doanh nghiệp Việt trong các lĩnh vực liên quan không còn nhiều thời gian để chuẩn bị, đứng trước nguy mất đơn hàng hoặc bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bài trình bày chính tại tọa đàm, TS. Nam sẽ giới thiệu các nền tảng công nghệ kiểm kê và báo cáo carbon, chi phí đầu tư ban đầu, mức độ phù hợp với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ được phân tích dưới góc nhìn nghiên cứu và thực tiễn. Đặc biệt, tọa đàm sẽ dành thời lượng riêng cho phần Q&A để giải đáp trực tiếp các câu hỏi từ doanh nghiệp.
Ngoài phần chia sẻ chuyên môn, tọa đàm cũng mở rộng thảo luận về cơ hội tiếp cận tài chính xanh, sự hỗ trợ từ các tổ chức trung gian như ngân hàng, quỹ đầu tư, và định hướng chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới. TS. Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thành công trong khu vực và quốc tế, từ đó gợi ý những bài học có thể nhân rộng tại Việt Nam.
Với nội dung chuyên sâu, cách tiếp cận thực tiễn và diễn giả có chuyên môn cao, tọa đàm “Doanh nghiệp chuyển đổi xanh – Từ thách thức đến hành động” hứa hẹn mang lại nhiều giá trị hữu ích, trở thành một bước đệm quan trọng giúp doanh nghiệp Việt chủ động hơn trong chiến lược phát triển bền vững, từng bước thích ứng với bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ, tiến tới nền kinh tế xanh và phát thải thấp.
Tọa đàm sẽ diễn ra lúc 9h ngày 28/7, sẽ được phát trực tuyến trên báo Dân trí, YouTube và Facebook báo Dân trí. Độc giả và các doanh nghiệp có câu hỏi gửi tới diễn giả hoặc có chia sẻ về nội dung đề cập trong tọa đàm, có thể gửi đến ban tổ chức tại đây.
Quỹ Vì tương lai xanh , do Tập đoàn Vingroup thành lập vào ngày 7/7/2023, có sứ mệnh góp phần vào mục tiêu giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050 của Chính phủ. Quỹ thúc đẩy các hành trình xanh trong cuộc sống hàng ngày, nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi mỗi cá nhân hành động ngay hôm nay để bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.
Các hoạt động cộng đồng quy mô lớn của quỹ gồm chiến dịch chiến dịch "Thứ 4 ngày Xanh" với loạt chương trình ưu đãi từ các công ty thành viên và công ty liên kết của Tập đoàn Vingroup dành cho hàng triệu khách hàng để khuyến khích lối sống xanh, Chiến dịch “Cùng hành động vì biển xanh” huy động khoảng 10.000 cán bộ Vingroup và các tình nguyện viên ra quân thu gom và dọn vệ sinh ở các bờ biển và cửa sông để hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 2025, Chiến dịch “Mùa hè Xanh” 2025 với sự tham gia của Đoàn Thanh niên của 33 cơ quan, viện, trường triển khai gần 30 dự án tại 14 tỉnh thành trên cả nước với khoảng 81.000 người hưởng lợi, Cuộc thi “Tiếng nói Xanh” và “Gửi tương lai xanh 2050’ dành cho học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 thu hút gần 23.000 thí sinh, lan tỏa đến hàng trăm trường học tại hàng chục tỉnh, thành trên cả nước…