TKV phàn nàn bị nhiều khách hàng lớn dây dưa trả nợ

(Dân trí) - Số dư nợ vay tiền mua than đến hạn trả của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) tính đến hết tháng 12/2016 lên tới 2.837 tỷ đồng, chiếm tới 86% tổng dư nợ của các khách hàng của TKV.


Các nhà máy nhiệt điện của EVN nợ TKV số tiền mua than không nhỏ

Các nhà máy nhiệt điện của EVN nợ TKV số tiền mua than không nhỏ

Theo nguồn tin của Dân trí, 2 bộ: Tài chính và Công Thương đã đồng thời nhận được báo cáo của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam về tình hình sản xuất-kinh doanh của tập đoàn này. Một trong những vấn đề đáng chú ý được đề cập trong báo cáo là về tình hình các khoản công nợ của TKV.

Theo TKV, tổng số nợ phải thu 3.318 tỷ đồng này đã tăng so với con số 3.146 tỷ đồng hồi đầu năm 2016, tương ứng 5,46%. Trong các khoản nợ của các khách hàng lớn của TKV, riêng tiền mua than các đơn vị thuộc EVN phải trả Vinacomin ở thời điểm 31/12/2016 đã lên tới 2.837 tỷ đồng, tăng lên so với đầu năm 2016 là 304 tỷ đồng và chiếm tới 86% tổng nợ của khách hàng ngoài TKV.

Tập đoàn này cho biết, phần lớn các khách hàng hộ điện có dòng tiền luân chuyển đều nên dù không lo lắng nhiều về mức độ rủi ro trong bán than – thu tiền từ các doanh nghiệp thuộc EVN. Tuy nhiên, TKV cũng có ý kiến phàn nàn tập đoàn này đang bị chiếm dụng vốn rất lớn từ ngành điện do các khoản nợ đến hạn khá lớn chưa trả đó.

Trong khi đó, các khoản nợ tiền mua than của các khách hàng lớn khác của TKV lại đang giảm. Ví dụ như các khách hàng là các công ty xi măng chỉ nợ tiền nợ mua than của Vinacomin là 305 tỷ đồng tính đến 31/12/2016, giảm 36 tỷ đồng so với đầu năm 2016. Tiền nợ giảm chủ yếu lại là do các hộ xi măng giảm lượng mua than của Vinacomin.

Đơn vị có khoản nợ từ TKV lớn nhất trong ngành xi măng là Công ty Vicem Vật tư vận tải Xi măng chiếm 61% tỷ trọng dư nợ lại không thu được tiền từ các đơn vị sản xuất xi măng nên cũng được TKV đòi thanh toán theo hợp đồng đã ký nhiều lần.

Các khoản nợ tiền than của các doanh nghiệp sản xuất phân đạm với TKV cũng chỉ có 95 tỷ đồng ở thời điểm 31/12/2016, giảm 41 tỷ đồng so với đầu năm 2016.

Về phía EVN, được biết, mới đây tập đoàn này cũng có ý kiến với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính là giá than tăng thêm 7% từ ngày 24/12/2016 khiến chi phí sản xuất điện từ than sẽ tăng thêm gần 4.700 tỷ đồng trong năm 2017. Việc này gây sức ép cho giá điện trong năm 2017 vì giá than cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong cơ cấu giá thành sản xuất điện ở nhóm giá nhiên liệu (than, khí, dầu).

Hà Nguyễn